Từ những chân ruộng, bãi soi khó canh tác cây lương thực, thường để cỏ mọc vào vụ đông, bà con nông dân ở miền núi trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển sang trồng các loại hoa để làm dịch vụ tham quan, chụp ảnh. Qua đó góp phần nâng cao giá trị đất nông nghiệp và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Du khách đến tham quan, chụp ảnh tại vườn hoa của anh Nguyễn Văn Học ở xóm Bản Mới, xã Kim Phượng (Định Hóa). |
Kim Phượng là xã miền núi của huyện Định Hóa với 76% hộ dân làm nông nghiệp. Trong số 635ha đất sản xuất nông nghiệp, nhiều chân ruộng nằm dưới chân núi đá vôi nên khó canh tác. Vụ đông gần như người dân để đất trống do năng suất cây trồng chỉ bằng 1/4 so với vụ chính. Gia đình anh Nguyễn Văn Học, ở xóm Bản Mới có 5 sào ruộng rơi vào tình trạng như trên. Tuy nhiên, 3 năm vừa qua, anh đã mượn thêm 10 sào đất liền kề để đầu tư trồng các loại hoa cải, tam giác mạch, hoa cánh bướm... để làm dịch vụ cho khách đến tham quan, chụp ảnh. Anh Học chia sẻ: Từ đầu tháng 1, tôi mở cửa cho du khách đến tham quan, chụp ảnh trong hơn 1 tháng, sau đó tôi lại cày bừa để sản xuất vụ xuân. Năm nay, vườn hoa đã hơn 2.000 lượt khách, với mỗi một khách tôi thu 20.000 nghìn đồng. Mặc dù trồng hoa tốn nhiều công chăm sóc hơn so với cây ngô nhưng đổi lại thu nhập cao gấp 7-8 lần. Chị Nguyễn Thị Hằng, tổ 15, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), một du khách đến tham quan, chụp ảnh thì chia sẻ: Tôi thấy rất thú vị bởi cánh đồng hoa đầy màu sắc, với các loài hoa nối tiếp nhau kéo dài như một dải lụa lẩn khuất bên những dãy núi đá vôi trùng điệp. Nếu được đầu tư các dịch vụ đi kèm thì đây thực sự là một điểm dừng chân lý tưởng bởi có phong cảnh hữu tình, không khí trong lành.
Chị Liên cho biết: Mặc dù diện tích bãi của gia đình trồng được hai vụ ngô nhưng nhưng năng suất thấp, chỉ khoảng 50kg/sào. Sau khi học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi tôi quyết định chuyển toàn bộ đất bãi sang trồng hoa để làm dịch vụ quanh năm. Là năm đầu tiên nên người dân biết và tìm đến vẫn còn hạn chế, nhưng tôi tin rằng vào những tháng mùa hè khách sẽ đến đông hơn. Bởi vườn hoa chỉ cách thác 7 tầng (thác mây) chưa đến 1km, vào mùa hè thác thu hút rất nhiều người đến khám phá. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở thêm một số dịch vụ như cho thuê trang phục của các đồng bào dân tộc thiểu số, bán nước uống, đồ ăn nhẹ... |
Tương tự như anh Học, từ 8 sào bãi trồng hai vụ ngô của gia đình, vụ đông vừa qua, chị Lê Thị Liên, ở xóm Trung Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo lại khu bãi để chuyển sang trồng các loại hoa, làm dịch vụ cho du khách đến tham quan, chụp ảnh.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết: Xã Thần Sa được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp như: Mái Đá Ngườm, thác Mưa Rơi, thác 7 tầng hay những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Những cảnh đẹp này hằng năm thu hút nhiều du khách ở nhiều nơi đến tham quan, khám phá. Chính vì vậy, mô hình trồng hoa làm dịch vụ của gia đình chị Lê Thị Liên không chỉ giúp du khách có thêm không gian vui chơi, ăn uống mà còn góp phần níu chân du khách ở lại địa phương lâu hơn.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhạy bén trong nắm bắt nhu cầu, sở thích của người dân, anh Học, chị Liên đã bước đầu xây dựng thành công mô hình trồng hoa làm dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho gia đình, cũng như hình thành các địa điểm du lịch hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, những mô hình này hiện nay vẫn ở mức sơ khai, nhỏ lẻ, mang tính tự phát, sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng chia sẻ: Đây là một trong những hướng đi mới nhiều tiềm năng, nếu khai thác tốt sẽ mang lại nguồn thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa, trồng ngô, rau màu trên những chân ruộng cao. Do vậy, để khai thác có hiệu quả từ mô hình này, người dân cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc mở rộng diện tích trồng hoa, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du khách, tập huấn kỹ năng phục vụ du khách... Qua đó, sẽ giúp các mô hình phát triển bền vững, tránh được tình trạng “sớm nở, nhanh tàn”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin