Chưa khuyến khích tăng trưởng tín dụng vào chăn nuôi lợn

14:55, 17/09/2017

Nếu như tính đến hết tháng 8-2016, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Phú Bình tăng 13% so với cuối năm trước và cho vay phát triển chăn nuôi, trồng trọt (chủ yếu là chăn nuôi), chiếm 55,8% tổng dư nợ, thì đến hết tháng 8 năm nay, tăng trưởng tín dụng của Chi nhánh mới đạt 9,26% và tỷ lệ vốn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt chỉ còn 47% trong tổng dư nợ. Nguyên nhân cơ bản được xác định là do giá thịt lợn giảm sâu, kéo dài và vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định...

Theo bà Dương Thị Miền, Giám đốc Agribank Phú Bình, năm 2017, Chi nhánh được giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 14%. Nếu không có sự sụt giảm sâu và kéo dài của giá thịt lợn thì khả năng hoàn thành chỉ tiêu này của chúng tôi chỉ trong quý II. Cũng từ sự sụt giảm kéo dài này nên khoảng từ tháng 4 trở lại đây, cả người chăn nuôi và ngân hàng đều rất thận trọng trong việc đầu tư vào loại vật nuôi này. Số khách hàng đề nghị được vay mới hoặc vay bổ sung để nuôi lợn thời gian qua chỉ bằng 1 phần rất nhỏ so với mọi năm và chỉ có rất ít khách hàng được ngân hàng đáp ứng. Hiện, với giá thịt lợn hơi dao động ở mức 30-31 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi nếu đi mua lợn giống về nuôi thì cơ bản là hòa vốn hoặc có lãi chút ít (chưa tính công nuôi); còn đối với hộ nuôi lợn nái, giữ lại lợn con nuôi đến khi xuất chuồng thì vẫn đang lỗ 300-400 nghìn đồng/con, vì giá lợn giống hiện đang ở mức 350-400 nghìn đồng/con trên dưới 15kg, trong khi để có được 1 con lợn giống như thế này, các hộ nuôi phải tốn khoảng 700 nghìn đồng. Trong khi đó, thời kỳ đắt nhất, giá lợn giống lên tới trên 1,8 triệu đồng/con.

Trước đây, khi đầu ra thuận lợi, người chăn nuôi không mấy để ý đến đầu ra của lợn ở đâu, khi đàn lợn sắp xuất chuồng thì đã có người đến đặt trước. Cho đến khi giá bị rớt thê thảm, kéo dài, nhiều người mới biết lâu nay đầu ra của lợn phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Mặc dù thị trường này cũng đã bắt đầu nhập khẩu trở lại mặt hàng này nhưng hiện vẫn chưa có sự ổn định lâu dài. Do đó, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, người nuôi lợn hiện vẫn không nên đầu tư nuôi lớn nếu chưa tự tìm được mối tiêu thụ. Cũng chính vì điều này nên chính sách tín dụng hiện nay Agribank Phú Bình đang áp dụng đối với người chăn nuôi lợn đó là không khuyến khích cho vay để nuôi mới. Còn đối với khách hàng nuôi lợn nái theo mô hình trang trại, nếu không có khả năng bán lợn con hoặc nếu bán bị lỗ quá nhiều, ngân hàng vẫn sẽ cho vay để nuôi bán lợn thịt, nhằm giúp người nuôi giảm lỗ, chờ cơ hội giá tăng trở lại để phục hồi sản xuất.

Tính đến ngày 31-8, tổng dư nợ cho vay của Agribank Phú Bình là 990 tỷ đồng, tăng 84 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt 1.125 tỷ đồng, tăng 195 tỷ đồng, so với cuối năm 2016 (tăng 21%, vượt 5% so với kế hoạch năm). Bà Dương Thị Miền lý giải, trong khi dư nợ cho vay tăng không cao thì nguồn vốn huy động lại tăng đáng kể là do có một lượng lớn người chăn nuôi đã giảm hoặc ngừng việc chăn nuôi lợn, có hộ thậm chí đã chuyển đổi ngành nghề khác nên tạm thời gửi tiền nhàn dỗi vào ngân hàng để hưởng lãi suất chênh lệch. Khi việc chăn nuôi có dấu hiệu phục hồi hoặc tìm được hướng phát triển kinh tế khác hiệu quả, họ sẽ rút vốn về đầu tư.

Trao đổi xung quanh về vấn đề này, ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, cho biết: Tính đến cuối tháng 8-2017, tổng đàn lợn trên toàn huyện có khoảng 215 nghìn con (giảm khoảng 15 nghìn con), trong đó, có 30 nghìn con nái (giảm khoảng 5 nghìn con) so với cuối năm 2016. Trước mắt, quan điểm mà huyện đưa ra đó là giữ ổn định đàn lợn nái và không tăng đàn lợn thịt, vì hiện đàn lợn vẫn trong giai đoạn khủng hoảng thừa. Để bù đắp sự suy giảm từ lợn, huyện chủ trương khuyến khích tăng đàn gia cầm (đặc biệt là gà) và trâu, bò. Cũng theo ông Hải, trong tổng sản lượng 30 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng hàng năm của huyện, chiếm tới 80% là thịt lợn. Do vậy, việc giá lợn liên tục giảm trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều hộ dân trên địa bàn. Khoảng hơn 1 tháng gần đây, giá lợn bắt đầu có xu hướng nhích lên nhưng vẫn chưa ổn định và vẫn tiềm ẩn những rủi ro, khó dự đoán, nhất là khi có 2-3 ngày giá lợn vượt ngưỡng 40 nghìn đồng/kg, sau đó lại giảm dần, càng khiến người chăn nuôi không thể chủ quan, nóng vội tái đàn để “gỡ vốn”. Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt, mà cần nghe ngóng, theo dõi diễn biến thị trường cũng như định hướng của ngành chức năng.

Ông Nguyễn Văn Phước, xóm Chám, xã Đào Xá là hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ, với 12 nái và khoảng 60 lợn thịt cho biết: Gia đình tôi nuôi lợn từ năm 2009. Tháng 3-2017, để tăng đàn nái và xây dựng chuồng trại, gia đình tôi đã vay 180 triệu đồng của Agribank Phú Bình. Hiện, trung bình mỗi tháng, tôi phải trả lãi hơn 1,5 triệu đồng. Nếu như trước đây, nuôi lợn mang lại lợi nhuận khá cao thì năm nay, tôi đã lỗ gần 80 triệu đồng cho lứa lợn xuất bán hồi tháng 5 và dự báo sẽ lỗ khoảng 20 triệu đồng nữa cho lứa lợn tới đây, nếu giá vẫn ở mức 30-31 nghìn đồng/kg như hiện nay. Dù vậy, ông Phước cho biết vẫn sẽ duy trì đàn lợn nái vì theo ông, để có được 1 con nái tốt, ông đã tốn rất nhiều công sức và chi phí cho mỗi con lên tới trên 10 triệu đồng. Cũng do lợn con hiện có giá quá rẻ, nên để giảm lỗ, toàn bộ lợn con đẻ ra, gia đình ông đều để lại nuôi. Ông hy vọng giá lợn sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Còn theo chị Nguyễn Thị Cương, Chủ trang trại lợn, gà, ở xóm Việt Ninh, xã Lương Phú có quy mô lớn nhất, nhì huyện Phú Bình cho biết: Với 180 lợn nái, trên 1.000 lợn thịt, hiện trung bình mỗi tháng, gia đình tôi lỗ khoảng hơn 100 triệu đồng.

Có thể thấy, cả người dân và ngân hàng hiện vẫn khá thận trọng trong việc đầu tư vào nuôi lợn, nhất là đối với những hộ nuôi mới. Lời khuyên mà các chuyên gia kinh tế cũng như ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đưa ra là cần hết sức thận trọng, tuyệt đối không vì những đột biến trong giá mua vào, bán ra mà tái đàn ồ ạt; cần biết cách lắng nghe, phân tích để tránh những thiệt hại như bao hộ dân vừa mắc phải.