Bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi

09:54, 03/08/2010

Anh Lê Bá Linh ở xóm Làng Đông, xã Cổ Lũng (Phú Lương) năm nay mới 27 tuổi đã là chủ một trang trại chăn nuôi lợn với gần 300 con. Trước đây, anh Linh chỉ làm 2 sào ruộng, trồng chè, thu nhập thấp, không ổn định. Năm 2006, anh quyết định đầu tư chăn nuôi lợn ở quy mô lớn.

 

Vay mượn gia đình và bạn bè được 200 triệu đồng, vợ chồng anh xây dựng chuồng trại nuôi 20 con lợn nái sinh sản và một con lợn đực để lấy tinh. Sau 4 tháng, khi số lợn nái đẻ, anh chị bán mấy lứa lợn con tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng để nuôi lợn con thương phẩm. Đến nay, trang trại của anh chị đã có 30 lợn nái, 1 lợn đực và 250 con lợn thịt. Hàng năm, anh chị xuất bán 4 lứa lợn khoảng 800 con, thu lãi gần 350 triệu đồng.

 

Anh Linh nói: - Nhờ được đi học lớp nghề chăn nuôi thú y nên tôi mới có kiến thức trong việc chăn nuôi và phòng trị bệnh. Lợn nhà tôi phát triển tốt, ít mắc dịch bệnh nên có lãi. Một số người chăn nuôi không có kỹ thuật, lợn hay bệnh, chậm lớn nên không có lãi, thậm chí khi bị dịch bệnh nhiều hộ còn lỗ vốn.

 

Anh Linh rất chú trọng việc phòng, chống và hạn chế lây lan dịch bệnh. Chuồng trại được anh xây dựng cách xa nhà khoảng 50m, có hàng rào bao quanh và cổng vào riêng. Khách đến thăm, anh yêu cầu thay ủng và quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang thì mới được vào khu chăn nuôi.  Trong đợt dịch lợn Tai xanh vừa qua, gia đình anh tuyệt đối không cho ai ra vào, không ăn thịt lợn, rắc vôi bột xung quanh chuồng và xung quanh hàng rào. Vì thế, trại lợn của gia đình anh không có con nào bị bệnh, phát triển bình thường. Ngoài ra, anh luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho lợn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho lợn ăn uống bằng máng tự động hợp vệ sinh. Gia đình anh đã xây hầm Biogas nên không làm ảnh hưởng tới môi trường.

 

Anh Linh cho biết: - Mấy năm trước, tôi chưa xây hầm Biogas hàng xóm xung quanh thường xuyên phàn nàn về không khí bị ô nhiễm do chất thải của lợn. Đầu năm 2009, tôi quyết định đầu tư xây hầm với thể tích  60 khối, hết 50 triệu đồng. Hầm Biogas được xây bằng gạch, có bể chứa dịch phân, bể điều áp và vòm chứa gas hình chóp thông với ống dẫn gas. Hầm biogas không chỉ tận dụng được nguồn năng lượng dư thừa trong tự nhiên, thay thế nguồn năng lượng truyền thống, giảm thiểu chi phí điện năng mà còn góp phần hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do các chất thải trong chăn nuôi gây ra. Với gần 300 con lợn, lượng gas sản sinh ra từ hầm nhà anh có thể đủ cho 10 hộ đun nấu bằng bếp gas thoải mái, áp lực gas mạnh có thể dẫn đi xa 300m. Hiện nay, ngoài việc dùng bếp gas và dẫn gas cho các hộ xung quanh, gia đình anh còn dùng gas thắp đèn sưởi cho lợn con, chạy máy phát điện. Năm nay, nắng nóng, điện bị cắt liên tục, may nhờ có gas chạy máy phát điện, việc chăn nuôi của gia đình chị vẫn diễn ra bình thường, chị vẫn có thể chạy máy bơm rửa chuồng, quạt mát cho lợn, đun nấu...

 

Ngoài ra, với tổng diện tích đất trên 2 ha, anh Linh còn trồng chè và đào ao thả cá để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Anh Linh cũng thường xuyên giúp đỡ và truyền đạt kinh nghiệm làm ăn của mình cho mọi người. Đặc biệt, anh luôn sẵn lòng hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu xây hầm Biogas để bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí.