Trách nhiệm từ những công việc thường ngày

07:21, 28/04/2019

Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau song những cá nhân tôi đề cập trong bài viết này đều luôn cố gắng vươn lên, trách nhiệm và có đóng góp tích cực cho cộng đồng. Họ làm việc tốt với nhu cầu tự thân chứ không hề mong được ghi nhận, vinh danh.

Nêu gương

Cứ chiều tan tầm, căn nhà của gia đình bà Trần Thị Án, ở xóm Khuôn U, xã Na Mao (Đại Từ) lại ríu rít tiếng cười con trẻ. Với vai trò là Chủ nhiệm CLB hát Sấng cọ xã Na Mao, từ nhiều năm nay bà Án chủ động mở lớp truyền dạy lời hát Sấng cọ và điệu múa Tắc xình của dân tộc mình cho thế hệ măng non. “Cháu thích học hát lắm nên tan học là về đây luôn” - Hoàng Thị Ngọc Hà, học sinh lớp 2 cười hồn nhiên khoe với chúng tôi. Giữa khoảng sân nhỏ, bà Án mặc quần áo truyền thống, đôi chân và tay thoăn thoắt từng nhịp múa dứt khoát, lũ trẻ vây quanh theo dõi chăm chú, học cách lấy nhịp rồi thực hiện theo. Thỉnh thoảng bà dừng lại, chậm rãi giảng giải cho các cháu. Không khí ngôi nhà nơi xóm núi trở nên sinh động lạ thường.

Lớp học của bà Án hiện có hơn chục em nhỏ theo học. Có cháu mới chỉ 2-3 tuổi cũng bi bô lời hát Sấng cọ. Điều đặc biệt là tất các các đạo cụ, trang phục của CLB và học viên đều do bà và các thành viên tự làm. Củ nâu đào trên rừng về trải qua nhiều công đoạn chế biến trở thành nước để nhuộm vải thô, họa tiết hoa văn trên áo, mũ và thắt lưng tranh thủ thêu thùa mỗi lúc nông nhàn; dụng cụ biểu diễn tự tay đẽo gọt. “Trang phục bán sẵn ngoài chợ có nhiều nhưng màu sắc, nhất là khi biểu diễn trên sân khấu không được tươi như nhuộm thủ công. Quan trọng là tự tay mình làm, cùng chuẩn bị sẽ tạo sự gắn kết thêm bền chặt, hiểu biết và tình yêu với lời hát, điệu múa sẽ ngày càng sâu sắc hơn” - bà Án tâm sự. Từ số lượng gần 20 thành viên ban đầu, CLB hát Sấng cọ xã Na Mao đã phát triển lên con số 70, với đủ lứa tuổi và nghề nghiệp. Các thành viên sưu tầm được nhiều lời hát cổ và tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Bà Án bảo: Là người Sán Chay nên tôi thấy bản thân phải có trách nhiệm cùng với mọi người giữ gìn và quảng bá nhiều hơn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Giống như bà Án, ông Lương Văn Dũng, ở xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông (Đại Từ) cũng là một tấm gương điển hình về tinh thần nêu gương. “Dù làm công việc gì thì cũng cần sự tâm huyết và trách nhiệm. Là nông dân, tôi nghĩ trước hết phải tự lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê mình” - ông Lương Văn Dũng đã nói với chúng tôi như vậy. Hỏi những người dân ở địa phương, họ đều nhắc đến gia đình ông Dũng với sự khâm phục.

Gia cảnh ban đầu vốn khó khăn, ông làm nhiều công việc kiếm sống, từ chạy xe ôm, bán thịt lợn, xay xát và buôn bán gạo rồi đến làm thợ sửa chữa đồ điện. Khi tích lũy được một số vốn nhất định, hai vợ chồng ông vay thêm vốn ngân hàng để mở xưởng chuyên thu mua chế biến và kinh doanh các sản phẩm chè. Cùng với đó là đầu tư khu vườn trồng cây ăn quả tại xã Tiên Hội có quy mô gần 4ha, với hàng trăm cây bưởi Diễn, nhãn và vải. Công việc thuận lợi, mỗi năm gia đình thu hàng trăm triệu đồng. Quan trọng hơn, điều khiến bà con quý trọng ông Dũng chính là tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn. Xưởng chế biến chè của gia đình đang tạo việc làm ổn định cho 8-10 lao động. Hàng xóm khi có nhu cầu về vốn đầu tư sản xuất, ông đều sẵn sàng cho vay không lấy lãi.

Các công trình tập thể như: Đường giao thông, cổng làng, nhà văn hóa, ngoài phần đối ứng theo quy định thì ông Dũng đều ủng hộ thêm từ một vài triệu đến cả chục triệu đồng. Ông Dũng nói: Tôi muốn chứng minh rằng, không cần phải ly hương cũng có thể làm giàu nếu quyết tâm và có định hướng đúng đắn. Quê tôi còn nghèo, bản thân trước đây cũng khó khăn nên giờ khá giả hơn đôi chút nên muốn chia sẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh.

Làm tròn trách nhiệm khi được dân tin

Giới thiệu về những điển hình tiên tiến trên địa bàn, bà Lê Thị Phương Chi, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Từ nhấn mạnh đến ông Nguyễn Thanh Hải, chi hội trưởng nông dân xóm Văn Cường 3, xã Phú Cường.

Là điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế, ông Hải thường xuyên giúp đỡ mọi người bằng cách cung cấp giống chè đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn thị trường; hỗ trợ vốn không lấy lãi và chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho bà con để nâng cao hiệu quả sản xuất. Liên tục từ năm 1997 tới nay, ông làm bí thư chi bộ, trưởng xóm rồi đến chi hội trưởng nông dân, ở cương vị nào cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh Hoàng Văn Hoan, ở xóm Văn Cường 3 nhận xét: Đóng góp của ông Hải cho tập thể xóm khó mà đong đếm cụ thể. Ông là người uy tín nên nói gì cũng có lý lẽ rành mạch, thuyết phục nên bà con nghe theo. Ví như việc làm đường giao thông, nhiều hộ dân còn băn khoăn đối ứng hay hiến đất cho tập thể, vậy nhưng ông Hải đến nhà thuyết phục một lần là đồng thuận ngay. Thậm chí với tuyến đường trục dài 1km mới hoàn thiện năm ngoái, ông còn giúp xóm ứng tiền trước cho nhà thầu, rồi tham gia giám sát thi công từ đầu đến cuối.

Cũng là người được nhân tín nhiệm, ông Lê Văn Khầu đã làm Trưởng xóm Quang Trung, xã Bản Ngoại 30 năm liên tục. Nhiều lần ông có ý kiến với chi bộ và toàn thể nhân dân xin nghỉ vì đã tuổi cao và để lớp trẻ gánh vác công việc, nhưng bà con nhất định không nghe. Người dân Quang Trung vẫn bảo, diện mạo của xóm được như ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của cá nhân người đứng đầu. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, Quang Trung làm được hơn 2km đường bê tông, kiên cố hóa toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng và tu sửa nhà văn hóa. Người dân hiến hơn 10.000m2 đất và đối ứng hàng trăm triệu đồng cho tập thể. Riêng gia đình ông Khầu hiến gần 400m2 đất.

Chúng tôi hỏi kinh nghiệm để được bà con tin yêu, ông mộc mạc: Ở thôn xóm toàn anh em, họ hàng gần gũi cả nên cứ phải người thật việc thật. Được bầu lên rồi thì dù chỉ một ngày cũng phải làm hết trách nhiệm với tập thể. Muốn giữ được uy tín thì bản thân và gia đình hãy làm gương trước từ những việc làm trong sinh hoạt hằng ngày.

Chia sẻ của ông Khầu có lẽ cũng là suy nghĩ của những cá nhân chúng tôi đề cập trong bài viết này. Họ có điểm chung là sự giản dị, gẫn gũi và tinh thần trách nhiệm cao - yếu tố tạo nên dấu ấn và uy tín trong cộng động dân cư.