Tiếp tục xét xử vụ án Trịnh Nguyên Thuỷ và đồng bọn

18:16, 13/06/2007

Sáng nay (14/6), Hội đồng xét xử - Toà án nhân dân tối cao sẽ tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ án Trịnh Nguyên Thủy và đồng bọn sản xuất, buôn bán, vận chuyển chất ma tuý

Trước đó, ngày 13/6, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành phần tranh tụng của luật sư và đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) trong vụ án này.

Trước khi vào phần tranh tụng, đại diện VKSNDTC đã đọc bản kết luận nêu rõ quá trình phạm tội của các bị cáo: Sau khi xử sơ thẩm, bị cáo Trịnh Nguyên Thủy kháng cáo cho rằng không sản xuất ma tuý, bị công an Phú Thọ bức cung, bị xét xử oan; bị cáo Vũ Hồng Điệp kháng cáo cho rằng số lượng tham gia mua bán không phải 304 bánh heroin như quy kết, không mua của Lê Văn Tình 288 bánh ma tuý mà chỉ mua của Lê Văn Cường 125 bánh ma tuý, sau đó mua của Tình thêm 20 bánh ma tuý, khai nhận như án sơ thẩm là do bị ép cung. Các bị cáo: Nghiêm Đình Bồng, Đặng Văn Ấu, Lê Văn Tình, Ngô Trung Hiếu, Phạm Xuân Thơ, Ngô Thanh Soái, Phạm Khắc Hùng và Nguyễn Quang Thuận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Thơ và Soái cho rằng bị xét xử không công bằng. Tuy nhiên, đại diện VKSNDTC không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

Bước vào phần tranh tụng, luật sư Bùi Hồng Thấm bào chữa cho Trịnh Nguyên Thuỷ và Nghiêm Đình Bồng (văn phòng luật sư Thuỷ Nguyên - Đoàn luật sư Hà Nội) đưa ra quan điểm: Theo như bản án sơ thẩm quy kết Thủy, Bồng, Đằng tham gia sản xuất ma tuý lần 1 và lần thứ 2 có Thủy, Ấu, Bồng nhưng cả 2 lần cơ quan điều tra không bắt được quả tang heroin, thuốc phiện, khi khám xét có thu giữ một số vật dụng như: chậu, xô... nhưng khi giám định không đủ cơ sở kết luận là phương tiện sản xuất ma tuý. Các cơ quan tố tụng không thực nghiệm điều tra lại quá trình sản xuất ma tuý mà chỉ dựa vào lời khai nên thiếu cơ sở pháp lý để kết tội.

Đại diện VKSNDTC trả lời: Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra có quyền tiến hành thực nghiệm điều tra chứ không nêu bắt buộc cơ quan điều tra phải thực nghiệm điều tra nên việc yêu cầu thực nghiệm điều tra của ông Thấm là không cần thiết. Việc dựa vào lời khai các bị cáo mà buộc tội các bị cáo vì những lời khai ấy là một nguồn chứng cứ, là một phần chứng cứ sau khi đọc lại bản khai các bị cáo đã thừa nhận. Lời khai của 3 bị cáo Thuỷ, Bồng, Ấu phù hợp với nhau lên khẳng định các lời khai của 3 bị cáo tại cơ quan điều tra là thực tế, khách quan, nhất là lời khai về quá trình sản xuất ma tuý. Luật sư Phan Hữu Đạo (Đoàn luật sự Sơn La) bào chữa cho Đặng Văn Ấu, Ngô Trung Hiếu, Phạm Khắc Hùng cũng đưa ra quan điểm cần thực nghiệm điều tra về quá trình sản xuất ma tuý và đề nghị giảm án cho cả 3 bị cáo.

Tiếp tục phiên toà, luật sư Lò Xuân Lẻ, bào chữa cho Phạm Xuân Thơ, Nguyễnh Quang Thuận đưa cho rằng, Thơ kháng cáo vì thấy bị cáo Nguyễn Thị Hồng và chồng là Hải cùng buôn bán với số lượng lớn nhưng hình phạt thấp hơn (chung thân) và đề nghị xem xét lại bản án cho 2 bị cáo này. Đại diện VKSNDTC cho biết: Bị cáo Thơ trong đơn không đề nghị xem xét giảm án lên không đề cập đến vấn đề này.

Đối với Lê Văn Tình, luật sư Nguyễn Phúc Tiến cho rằng: Tình bị bệnh tâm thần, trong bệnh án có ghi: biểu hiện mất ngủ, nói lung tung, tính nóng nảy, cáu gắt... cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Tuy nhiên, đại diện VKSNDTC cho biết: Tất cả các vấn đề này đã được đề cập trong bản án sơ thẩm và không có tài liệu nào khẳng định Tình mắc bệnh tâm thần lên không có căn cứ để giảm nhẹ./.