Ngăn ngừa và hạn chế đốt vàng mã tràn lan

15:36, 03/02/2011

Chưa bao giờ việc đốt vàng mã lại phát triển tràn lan gây lãng phí như những năm gần đây, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân. Người dân thì tốn kém tiền bạc còn những kẻ “buôn thần bán thánh” tiếp tục kinh doanh trục lợi.

Những ngày áp Tết này, không phải chỉ ở các chợ lớn, chợ nhỏ mà ngay trên các hẻm, đường phố, ngõ ngách, người ta bắt gặp nhiều người gánh đi bán dạo các vàng, tiền, đồ lễ, vàng mã. Chỉ tính riêng bộ đồ lễ cho Táo quân, ba chiếc mũ bằng giấy đã có giá gần 30 nghìn đồng. Hỏi chuyện một gia đình phải sắm đồ vàng mã trong dịp Tết này, được biết, với mức chi "khiêm tốn" cũng đã hết khoảng 300 nghìn đồng. Ở nước ta có khoảng hơn 16 triệu gia đình, tính ra số tiền chi để đốt vàng mã cúng trước, trong và sau Tết lên đến con số không phải là nhỏ. Đấy là chỉ tính những gia đình bình thường, cúng lễ ở mức bình thường, chứ chưa kể đến những người cầu danh, cầu lợi hoặc những người không may tay đã “nhúng chàm” tự cảm thấy mình mắc tội lỗi đi mua những đồ vàng mã với số tiền lên đến bạc triệu để "hối lộ thánh thần" mong chuộc tội. Những người này không phải chỉ mua sắm cúng lễ những vàng mã thông thường như tiền âm phủ, mũ áo, giầy dép, mà với suy nghĩ cho rằng “trần sao âm vậy”, họ đã đặt làm cả nhà lầu, xe máy, xe đạp, ôtô... theo mốt mới. Một ông chủ làm hàng mã cho biết: Có người đặt làm loại ôtô vào loại hiện đại nhất với giá gần chục triệu đồng!

Trên đây mới kể qua hiện tượng mua sắm đồ vàng mã cúng lễ trong phạm vi một gia đình, chứ còn ở các lễ hội mở ra sau Tết thì hằng năm việc mua sắm, đốt vàng mã còn diễn ra tràn lan và gây ô nhiễm môi trường, gây lãng phí cho xã hội mà chưa có ai, cơ quan nào tính toán hết được. Có những nơi người ta còn phát hiện có kẻ ngông cuồng ngang nhiên mang cả các loại tiền Ngân hàng Nhà nước mệnh giá 200 – 500 đồng tung ra trước đền chùa đốt.
 
Mỗi năm ở nước ta, trước và sau Tết có hàng chục nghìn lễ hội diễn ra. Những lễ hội đó ở nhiều nơi mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, có ý nghĩa lành mạnh, khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi, tôn vinh những bậc anh hùng có công với nước, với dân, được các tầng lớp nhân dân lập đền thờ, hàng năm hương khói lễ Tết. Tuy nhiên cũng có những lễ hội mang đậm màu sắc mê tín, dị đoan, buôn thần, bán thánh, hầu đồng rồi bói toán, xem quẻ gây hoang mang cho những người nhẹ dạ, cả tin. Việc cúng, đốt vàng mã trong đền, ngoài miếu... diễn ra rất tràn lan chẳng những gây ô nhiễm ngột ngạt cho những người đến dự hội mà còn gây mất trật tự lộn xộn ở nơi công cộng. Các dịch vụ “ăn theo lễ hội”, việc cò mồi, bán hàng kém chất lượng được dịp làm ăn kiếm lời. Không ít nơi, những người này bất chấp cả đạo lý “chém chặt” người đi lễ hội không thương tiếc. Ở một số nơi còn xảy ra hiện tượng cờ bạc, sát phạt lẫn nhau trong và ngoài lễ hội.
 
Theo truyền thuyết cổ xưa, trước đây, các vua, chúa, quan lại khi qua đời thường mang theo những người thân thiết của mình như thê thiếp, người hầu. Sau này thấy như vậy là quá bất công và tội nghiệp cho những người thân còn sống, người ta nghĩ ra cách làm hình nhân thế mạng bằng giấy thay cho người sống theo xuống âm phủ. Tục đốt vàng mã có từ đó. Nhưng ngày nay, tục đốt vàng mã biến tướng thành một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận, gây tốn kém và không ít phiền toái trong nhân dân, mang màu sắc mê tín, dị đoan, phát triển tràn lan và khá lộn xộn ở rất nhiều nơi. Đáng tiếc thay là các hiện tượng trên chưa bị xã hội, nhất là các cơ quan kiểm tra, giám sát của ngành Văn hóa có những biện pháp tích cực để ngăn chặn. Nên chăng cần có những biện pháp mạnh mẽ, có hiệu quả hơn nữa để ngăn ngừa và hạn chế nạn đốt vàng mã tràn lan trong dịp Tết và các lễ hội đầu năm này.