Nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị đề nghị mức án 19-20 năm tù

08:19, 30/03/2012

Sáng 29/3, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Hải Phòng đã đề nghị mức án 19-20 năm tù với nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin).

 

Theo đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa, hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Thanh Bình và các bị cáo gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hậu quả thiệt hại do hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo gây ra trong từng dự án, cũng như tổng thiệt hại chung của vụ án này thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

 

Ngoài hậu quả thiệt hại về tiền, tài sản của Nhà nước với giá trị đặc biệt lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo còn làm đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tác động tiêu cực đến đời sống của người lao động.

 

Theo đại diện VKSND, bị cáo Phạm Thanh Bình là người có cương vị cao nhất, đồng thời lại giữ vai trò chính tổ chức thực hiện phạm tội trong sai phạm ở 3 dự án gồm: Đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân. Mặc dù, bị cáo Phạm Thanh Bình có một số tình tiết giảm nhẹ, song do phạm tội nhiều lần và hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nên cần áp dụng khung hình phạt cao nhất theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ Luật Hình sự về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với mức án đề nghị là 19-20 năm tù.

 

Cùng bị truy tố ở tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ Luật Hình sự, các bị cáo: Trần Văn Liêm và Tô Nghiêm cùng bị đề nghị mức án 17-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyên bị đề nghị mức án 15-16 năm tù; Trịnh Thị Hậu bị đề nghị mức án 13 -14 năm tù; Hoàng Gia Hiệp bị đề nghị mức án 12- 13 năm tù ; Trần Quang Vũ và Đỗ Đình Côn bị đề nghị mức án 11 - 12 năm tù.

 

Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, đại diện Viện kiểm sát đề nghị thay đổi tội danh từ "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" sang tội danh "sử dụng trái phép tài sản" được quy định tại khoản 2 Điều 142 Bộ Luật Hình sự với mức phạt đề nghị 3-4 năm tù.

 

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát kết thúc phần luận tội, phiên tòa bước sang phần tranh tụng với phần bào chữa của các luật sư dành cho 3 bị cáo: Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm và Trịnh Thị Hậu./.