Xét xử lưu động (XXLĐ) không phải là quy định trong hoạt động tố tụng nhưng nhận thấy hiệu quả hoạt động này với việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới toàn thể nhân dân nên những năm qua, Tòa án nhân dân (TAND) T.X Sông Công đã tăng cường mở các phiên toà XXLĐ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì việc XXLĐ vẫn còn một số hạn chế khiến tác dụng tuyên truyền chưa đạt kết quả như mong muốn.
Theo số liệu của TAND thị xã, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan tố tụng, chính quyền các địa phương, trường học, tổ chức trên địa bàn XXLĐ được 15/50 vụ án hình sự với 17 bị cáo. Các phiên tòa XXLĐ đều là án hình sự, với các loại tội phạm chủ yếu như: cố ý gây thương tích; cướp giật, trộm cắp tài sản; vi phạm Luật Giao thông đường bộ; buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy … gây bức xúc trong dư luận nên lượng người đến dự các phiên tòa khá đông. Qua hoạt động xét xử công khai này, cùng với ngành tư pháp, TAND thị xã đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Sau phiên tòa XXLĐ vụ án sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy được TAND thị xã tổ chức tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức giữa tháng 12 vừa qua, chúng tôi đã gặp anh Hoàng Xuân Sơn, ở tổ 13, phường Thắng Lợi, được biết: Quá trình xét hỏi, luận tội của Hội đồng xét xử (HĐXX) rõ ràng, minh bạch, tuyên án đúng người, đúng tội khiến anh cũng như những người tham dự phiên toà rất hài lòng. Anh Sơn mong muốn có nhiều hơn nữa những phiên toà xét xử công khai được tổ chức trên địa bàn. Còn anh Dương Văn Toản, 21 tuổi, sinh viên lớp K39 cắt gọt C2, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức thì bộc bạch: Lần đầu tiên tôi được dự một phiên tòa xử đối tượng sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy. Qua đó, tôi nhận thức sâu sắc hơn tác hại của ma túy để tránh xa nó và không tàng trữ, buôn bán mặt hàng cấm này.
Được biết, để các phiên XXLĐ mang lại hiệu quả cao, trước khi tổ chức, TAND thị xã đã phối hợp chặt chẽ với ngành công an, chủ động làm việc với chính quyền các địa phương, đơn vị để nắm dư luận xã hội cũng như thông báo nhân dân đến dự phiên tòa, đảm bảo an ninh trật tự cho phiên tòa. Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Phó trưởng Công an thị xã cho hay: “Nhận được lịch xét xử của Tòa án, lực lượng công an lên kế hoạch thống nhất về thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức, dự kiến các tình huống phát sinh để có phương án bảo vệ phiên tòa. Vì vậy, các vụ án XXLĐ trong năm 2012 đều an toàn tuyệt đối”.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả tích cực thì những phiên tòa xử lưu động ở T.X Sông Công còn bộc lộ nhiều hạn chế khiến hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Kiên, Chánh án TAND T.X Sông Công cho biết: Mặc dù TAND thị xã đã tích cực đưa các phiên tòa ra xử công khai nhưng có một thực tế đáng phải suy nghĩ là ở một số phiên XXLĐ, người dân đến dự chỉ đông khi khai mạc, sau đó bỏ về gần hết. Có trường hợp, chỉ còn bị cáo và gia đình cùng lực lượng bảo vệ phiên tòa nghe HĐXX tuyên án. Chính vì vậy mà hiệu quả của việc tuyên truyền qua những phiên xử lưu động chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, việc ít người dự xử đến khi kết thúc một phần do kỹ năng xét hỏi và định tội của thẩm phán chưa thực sự thu hút. Những câu hỏi rời rạc khiến người nghe thấy nhàm chán. Một nguyên nhân nữa là diễn biến trong phiên tranh tụng của kiểm sát viên và luật sư bào chữa cũng được cho là thiếu sinh động.
Thiết nghĩ, để những phiên toà XXLĐ mang lại hiệu quả cao, thực sự có ý nghĩa trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với người dân, đòi hỏi ngành Tòa án cần chú trọng hơn nữa tới việc chọn án đưa ra xét xử (án điểm, được đông đảo người dân quan tâm); có biện pháp và hình thức tuyên truyền phù hợp để nhân dân biết và tới dự. Và điều quan trọng hơn cả là các cán bộ ngành Tòa án cần nâng cao hơn nữa năng lực xét hỏi, luận tội nhằm thu hút được sự quan tâm của nhân dân...