Việt Nam và Hoa Kỳ đạt thỏa thuận giải quyết tranh chấp tôm tại WTO

15:03, 19/07/2016

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong hai vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO.

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, ngày 18-7-2016, tại Washington, Hoa Kỳ, Bộ Công thương Việt Nam đã ký Thoả thuận với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) của Hoa Kỳ đối với sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp trong hai vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO là vụ DS404 và DS429 (Việt Nam kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của WTO khi áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm tôm của Việt Nam).

 

Trước đó, ngày 20-5-2016, theo yêu cầu của Việt Nam, DOC đã triển khai các bước thủ tục để thực thi các phán quyết của WTO. Theo đó, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ để sửa lại biên độ phá giá của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Minh Phú) và xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG cho Minh Phú. Biên độ phá giá của Minh Phú, theo kết luận sơ bộ của DOC, là 0%, có nghĩa là Minh Phú không bán phá giá sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ.

 

Đồng thời, DOC cũng đề xuất dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG tôm cho Minh Phú vì Minh Phú đã thỏa mãn các tiêu chí về việc dỡ bỏ lệnh áp thuế riêng cho từng công ty. Cụ thể là, với kết luận mới nhất của DOC, Minh Phú đã đạt được biên độ phá giá bằng 0% (hoặc ở mức không đáng kể) trong ba đợt rà soát hành chính liên tiếp.

 

Với kết luận và đề xuất này của DOC thì Minh Phú, với tư cách là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, đã được đưa ra khỏi diện áp thuế CBPG khi xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ. Không những thế, một phần thuế CBPG mà Minh Phú đã tạm nộp trong những năm trước đây sẽ được hoàn lại cho Minh Phú, dự kiến lên tới nhiều triệu USD.

 

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được giải pháp song phương để giải quyết vụ kiện tôm là kết quả của thiện chí và nỗ lực đàm phán từ cả hai phía. Phía Việt Nam hoan nghênh tinh thần xây dựng, thái độ thiện chí và nỗ lực tìm kiếm giải pháp của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là của DOC và USTR.

 

Phía Việt Nam cho rằng việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của WTO là việc làm đúng đắn và có lợi cho Hoa Kỳ, cho thấy Hoa Kỳ tôn trọng các nghĩa vụ của mình tại WTO và luôn nỗ lực để củng cố hệ thống thương mại đa phương như Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố.

 

Việc Hoa Kỳ thực thi phán quyết của WTO cũng góp phần quan trọng trong việc thể hiện thiện chí tăng cường mối quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh hai nước cùng là bên ký kết và cùng hướng đến việc phê chuẩn và thực thi có hiệu quả một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao là Hiệp định TPP.

 

Về phía Việt Nam, đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, bền bỉ và tích cực trong nhiều năm qua giữa Chính phủ, các luật sư tư vấn cho Chính phủ với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp ngành tôm, đặc biệt là Minh Phú.

 

Giải pháp song phương này cho thấy Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng sử dụng các diễn đàn phù hợp, bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, để bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.