Gửi niềm tin đến cơ quan báo chí

16:51, 20/06/2020

Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên đối với công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của tổ chức, cá nhân đã được luật hóa (quy định trong Luật Báo chí năm 2016 và Luật Khiếu nại tố cáo). Còn trong thực tế hoạt động báo chí, việc công dân, đại diện tổ chức kiến nghị, phản ánh, tố cáo thông qua nhiều kênh khác nhau đã tạo ra những đề tài báo chí hay. Chính vì vậy mà các chuyên mục như: Đường dây nóng; Ý kiến bạn đọc; Bạn đọc quan tâm…được nhiều tòa soạn thực hiện.

Tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của đại diện tổ chức, cá nhân đã, đang được các cơ quan báo chí trong cả nước triển khai hiệu quả, góp phần vào ổn định tình hình an ninh trật tự, thúc đấy kinh tế - xã hội phát triển. Hầu hết các cơ quan báo chí đều có bộ phận hoặc chí ít là bố trí cán bộ, phóng viên thường xuyên tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân. Trong đó, các cơ quan báo chí lớn của quốc gia, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam…bố trí vài chục cán bộ, phóng viện làm mảng đề tài này. Còn các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương bố trí tít nhân lực nhưng đều xác định việc tiếp nhận đơn thư, phản ánh của công dân vừa là kênh cung cấp nguồn tin có giá trị về tính thời sự, “sốt nóng” mà bạn đọc đang cần, vừa là nhiệm vụ chính trị của tòa soạn nên chọn những nhà báo có năng lực, uy tín để thực hiện.

Nhà báo Lưu Tuấn, Ban Bạn đọc (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết: Mỗi ngày, chúng tôi nhận được hàng trăm đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân chuyển đến theo đường bưu chính. Đặc biệt, đường dây nóng của Đài thường xuyên có công dân, đại diện tổ chức phản ánh những vụ việc tiêu cực ngoài xã hội; bày tỏ sự bức xúc, tâm tư, nguyện vọng mà đã nhiều lần, nhiều năm gửi đến các cấp, ngành nhưng chưa được giải quyết.

Đây cũng là mảng đề tài được nhiều cơ quan báo chí khai thác triệt để vì giá trị thông tin lớn, được bạn đọc quan tâm tìm đọc. Anh Nông Văn Đồng, Trưởng phòng Thích giả và Bạn xem truyền hình (Đài PT-TH Thái Nguyên) chia sẻ: Qua theo dõi chúng tôi thấy các phóng sự điều tra theo dấu đơn thư của khán giả, thích giả không chỉ thu hút sự quan tâm của những người trong cuộc, các tổ chức, cá nhân liên quan mà phần đông khán giá, thính giả đều quan tâm, dành nhiều thời gian theo dõi. Mảng đề tài này càng khẳng định vai trò tiên phong của báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực; giải quyết mâu thuẫn, bức của người dân ngay từ cơ sở.

Tuy nhiên, trên thực tế mức độ tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân tại các cơ quan báo chí và các nhà báo có sự khác nhau. Có những tờ báo rất tích cực khi tiếp nhận đơn thư, kiến nghị của công dân nên ngay lập tức cử phóng viên bám sát thực tế vạch trần, phanh phui tham nhũng, tiêu cực làm thỏa lòng người dân. Nhưng cũng có những tờ báo khi nhận được đơn thư, phản ánh rồi “cất tủ” hoặc đăng bài chiếu lệ. Không ít cơ quan báo chí có “đường dây nóng” nhưng khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về những bức xúc nảy sinh ở cơ sở chỉ trả lời chung chung, như: Để chúng tôi nghiên cứu; chúng tôi sẽ trao đổi với đại diện cơ quan chức năng… khiến bạn đọc vô cùng thất vọng. Cá biệt, còn những nhà báo dùng chính những đơn thư khiếu nại tố cáo, ý kiến phản ánh của công dân để phục vụ mưu lợi cá nhân, dọa nạt tổ chức, cá nhân liên quan nên làm giảm uy tín của tòa soạn, làm xấu hình ảnh của người làm báo. Cùng với đó là không ít bạn đọc còn suy nghĩ rất ấu trĩ khi coi báo chí là kênh “thỏa giận” nên có những việc rất nhỏ ở cơ sở, mâu thuẫn cá nhân cũng gửi đơn thư hoặc phản ánh đến đường dây nóng của cơ quan báo chí; viết đơn thư nặc danh, mạo danh phản ánh, tố cáo không đúng sự thật khiến nhà báo mất nhiều thời gian, công sức điều tra, xác minh nhưng không có tác phẩm, thông tin giá trị...

Như vậy, có thể thấy vấn đề tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân là vừa nhiệm vụ, vừa là giải pháp để nâng cao chất lượng nghiệp vụ của cơ quan báo chí, khẳng định là “cầu nối” giữa cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng, Nhà nước. Song, nếu các cơ quan báo chí quá “tần suất” trong thực hiện các bài viết liên quan đến giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân sẽ vô hình tạo ra những “điểm nóng” ảo, khiến dư luận, cộng đồng thấy bất an; cái tốt, cái đẹp lép vế trước cái xấu, tiêu cực. Do vậy, sự cân bằng hài hòa về liều lượng, chọn lựa nội dung, vấn đề khi thực hiện bài viết về mảng đề tài này nên được các cơ quan báo chí, nhà báo cân nhắc, cẩn trọng.