Tăng cường phối hợp giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đây cũng là nội dung được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của tỉnh xây dựng thành chuyên đề trọng tâm thực hiện trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Theo thống kê, từ tháng 12-2018 đến giữa 2021, số lượng công dân đến các cơ quan tư pháp trên địa bàn khiếu nại, tố cáo khá lớn, với 2.732 lượt; cùng với đó là 486 đơn, trong đó có 306 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan có thẩm quyền đã tăng cường quy chế phối hợp để giải quyết các nội dung liên quan. Cụ thể: Phối hợp thông qua hoạt động của khối Nội chính hai cấp; phối hợp liên ngành tố tụng và thi hành án; thông qua hoạt động công tác kiểm sát; phối hợp trong chuyển giao vật chứng, bản án hình sự, dân sự giữa Toà án và cơ quan thi hành án… Điểm nhấn là việc ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 108/2019/QCLN ngày 19/4/2019 của liên ngành Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự tỉnh; phối hợp của Ban Nội chính Tỉnh uỷ với các cơ quan pháp luật cấp tỉnh và Thường trực cấp huyện uỷ để giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Đối với Toà án nhân dân hai cấp của tỉnh, trong năm 2021 đã tiếp nhận 249 đơn khiếu nại, tố cáo. Chủ yếu khiếu nại đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định giải quyết về dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính; một số ít còn lại khiếu nại, tố cáo cấp huyện chậm thời hạn giải quyết vụ án. Theo đại diện Toà án nhân dân tỉnh: Mặc dù số lượng khiếu nại, tố cáo có tăng so với năm 2020 nhưng cơ bản đều được giải quyết kịp thời, không để tồn đọng kéo dài. Một trong những kinh nghiệm để giải quyết hiểu quả đơn khiếu nại, tố cáo là phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ Đảng trong kiểm tra, xác minh đơn thư; thực hiện đúng yêu cầu về thời gian báo cáo cấp uỷ và Ban Nội chính Tỉnh uỷ về tiến độ, cũng như kết quả giải quyết.
Nội dung phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự cũng được đánh giá thực hiện có hiệu quả. Ông Bùi Hồng Hương, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự - xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) chia sẻ: Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo đối với hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra; đảm bảo việc thụ lý, xác minh và tham mưu cho lãnh đạo Viện Kiểm sát giải quyết kịp thời, đúng hạn luật định. Trường hợp cần thiết thì phối hợp để tiến hành đối thoại với người khiếu nại để giải thích rõ hơn các quyết định, hành vi tố tụng, nhằm hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp cũng còn một số hạn chế. Đáng chú ý là một số vụ việc khiếu nại kéo dài bằng quyết định tạm đình chỉ gây bức xúc cho người có đơn, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, có quyết định giải quyết còn chưa đúng, thiếu căn cứ, dẫn đến cấp có thẩm quyền phải sửa hoặc huỷ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo có vụ việc còn chưa chặt chẽ, kịp thời.
Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của tỉnh đã xây dựng chuyên đề “Tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”. Các nội dung được tập trung thực hiện là tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, nhất là việc phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hoạt động này. Đồng thời, triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế khi phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, tạm giam tạm giữ và thi hành án dân sự. Đồng thời Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cũng có kiến nghị với cơ quan liên ngành của Trung ương sớm ban hành danh mục khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để làm căn cứ phối hợp giải quyết hiệu quả hơn.