Tòa án nhân dân T.P Thái Nguyên: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

09:50, 09/02/2022

Trong năm 2021, Tòa án nhân dân (TAND) T.P Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử các loại án, thực hiện tốt các phiên tòa, tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Năm vừa qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các vụ án của đơn vị. Hơn nữa, số lượng các vụ án TAND thành phố phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng, tính chất của vụ án ngày càng phức tạp trong khi số lượng biên chế thẩm phán còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Song, tập thể công chức và người lao động TAND thành phố đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua do TAND Tối cao đề ra. Cụ thể, đơn vị đã giải quyết được 2.146/2.301 vụ việc (đạt tỷ lệ 93,3 %).

Riêng trong công tác xét xử án hình sự, đơn vị thụ lý 715 vụ/929 bị cáo; đã giải quyết 704 vụ/900 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,5% về số vụ và 96,8% về số bị cáo. So với cùng kỳ năm 2020, số thụ lý tăng 75 vụ, số giải quyết tăng 69 vụ.

Quá trình giải quyết, xét xử án hình sự luôn đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật. Không chỉ án hình sự, các loại vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính... ngày càng được nâng cao chất lượng xét xử.

Trong quá trình giải quyết các loại án này, TAND thành phố luôn kiên trì, tạo điều kiện để các bên đương sự hòa giải, kiên trì công tác hòa giải, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Kết quả, đơn vị đã hòa giải gần 700 vụ, việc, chiếm trên 56% tổng số vụ án dân sự đã giải quyết, góp phần vào việc giữ vững trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn.

Có được những kết quả trên, giải pháp được coi là đột phá để đơn vị bảo đảm chất lượng xét xử, đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp với kiểm tra, giám sát.

Hiện, TAND thành phố có 40 công chức, người lao động, trong đó có 18 thẩm phán trung cấp và sơ cấp, 1 thẩm tra viên, 13 thư ký. Năm vừa qua, tỷ lệ án bình quân mỗi thẩm phán phải xử lý là 119 vụ, cao hơn 39 vụ so với quy định của TAND Tối cao. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết, xét xử các loại án và gây áp lực tiến độ công việc cho các thẩm phán.

Để nâng cao chất lượng xét xử các loại án, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo thẩm phán, công chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật công vụ song song với rèn luyện đạo đức, lối sống; quan tâm, sắp xếp tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật văn bản hướng dẫn của cấp trên cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là thẩm phán.

Việc phân công thẩm phán giải quyết án được thực hiện phù hợp năng lực, sở trường với phương châm “giỏi một việc, biết nhiều việc”. Lãnh đạo TAND thành phố cũng thường xuyên yêu cầu thẩm phán báo cáo tiến độ giải quyết vụ, việc được phân công, đồng thời gắn trách nhiệm của thẩm phán, thư ký đối với từng vụ, việc được giao.

Đặc biệt, đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong năm, đơn vị đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố xét xử 50 phiên tòa rút kinh nghiệm giúp các thẩm phán tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm xử lý tình huống phát sinh trong quá trình xét xử; công bố hơn 1.750 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao.

Ông Lê Quý My, Chánh án TAND T.P Thái Nguyên, cho biết: Để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc, chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tinh thần sáng tạo của cả tập thể và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ, việc của thẩm phán; xác định trách nhiệm, hậu quả pháp lý đối với từng thẩm phán, thư ký được phân công giải quyết vụ án nếu để các vụ án kéo dài, có sai sót; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt là thẩm phán; thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng...