Thời gian qua, hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đã giúp giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm cơ sở pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự… Nhưng để các văn phòng thừa phát lại được nhiều người dân biết đến và hoạt động hiệu quả thì cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành và địa phương trong việc tuyên truyền về vai trò, chức năng của thừa phát lại.
Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật (tương tự như chấp hành viên).
Trong đó: Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định.
Chúng tôi đến Văn phòng Thừa phát lại Thái Nguyên (số 102, đường Dương Tự Minh, TP. Thái Nguyên), một trong 3 văn phòng thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, đúng lúc có chị Đặng Thị H. ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) đến lập vi bằng.
Chị H. cho biết: Tôi đến đây đề nghị Văn phòng lập vi bằng về việc mở nội dung thông tin trên mạng như một chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của tôi trước pháp luật. Tôi tìm đến Văn phòng Thừa phát lại theo giới thiệu của luật sư. Đến đây, tôi được người phụ trách Văn phòng hướng dẫn tận tình, thủ tục lập vi bằng cũng nhanh gọn. Có bản vi bằng, tôi yên tâm hơn vì có thêm một chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước pháp luật khi cần.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thái Nguyên thông tin: Văn phòng được thành lập năm 2019. Từ ngày thành lập đến nay, Văn phòng đã lập khoảng 300 vi bằng. Nhất là từ cuối năm 2021 đến nay, chúng tôi đã thực hiện tống đạt trên 1.700 văn bản, quyết định theo yêu cầu của cơ quan tòa án và thi hành án dân sự tỉnh theo hợp đồng. Tuy khối lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ khá lớn nhưng thực hiện chưa đều, chủ yếu là lập vi bằng và tống đạt văn bản, quyết định của cơ quan tòa án, thi hành án.
Tương tự, Văn phòng Thừa phát lại Nam Thái (TP. Phổ Yên) chủ yếu cũng thực hiện các hoạt động lập vi bằng và tống đạt. Còn các nhiệm chức năng khác, như: Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 văn phòng thừa phát lại được thành lập, hoạt động theo quyết định của Bộ Tư pháp gồm: Văn phòng Thừa phát lại Thái Nguyên (TP. Thái Nguyên); Văn phòng Thừa phát lại Trường Phúc (TP. Sông Công); Văn phòng Thừa phát lại Nam Thái (TP. Phổ Yên). Toàn tỉnh hiện có 5 thừa phát lại (được cấp thẻ).
Các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đều có trụ sở, trang thiết bị và cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo hoạt động, nhưng chưa được đông đảo người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết đến.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội và phát sinh nhiều mối quan hệ, tranh chấp dân sự thì hoạt động của văn phòng thừa phát lại là cần thiết. Chẳng hạn nếu như trước đây, khi có tranh chấp trong quan hệ dân sự, người dân chưa biết làm thế nào lập chứng cứ có giá trị pháp lý để bảo vệ mình trước pháp luật thì nay có thể đến văn phòng thừa phát lại lập vi bằng.
Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông tin: Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thừa phát lại, như: Sửa đổi, bổ sung bộ thủ tục hành chính chuẩn hóa về thừa phát lại; đăng tải đầy đủ lên trang dịch vụ công của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở; công bố danh mục thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thừa phát lại; cấp giấy đăng ký hoạt động, chuyển hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thừa phát lại, cấp thẻ thừa phát lại… kịp thời, đúng pháp luật cho các cá nhân, tổ chức.
Sở Tư pháp cũng đã thành lập đoàn công tác kiểm tra tổ chức và hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, trong quá trình tổ chức, hoạt động và hành nghề thừa phát lại, các văn phòng đã thực hiện cơ bản đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, các mảng hoạt động của thừa phát lại phát triển chưa đều, chủ yếu là lập vi bằng, tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan tòa án, thi hành án dân sự.
Có thể thấy, tuy còn khá mới nhưng hoạt động của các văn phòng thừa phát lại đã có những kết quả khả quan, đáp ứng xu thế của xã hội. Theo đại diện của các văn phòng, hiện nay, nhận thức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và ngay cả cán bộ nhà nước về thừa phát lại còn chưa đầy đủ. Phần lớn người dân vẫn chưa hiểu về chức năng, nhiệm vụ của thừa phát lại nên lượng người tìm đến với các văn phòng còn ít.
Nguyên nhân một phần là do công tác tuyên truyền, phổ biến chưa được chú trọng. Bởi vậy, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về thừa phát lại; đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên các văn phòng thừa phát lại để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như ngăn ngừa các sai phạm, vi phạm có thể xảy ra trong hoạt động này.
Chức năng, nhiệm vụ của thừa phát lại: - Thực hiện việc tống đạt các văn bản, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự đến người nhận là các cá nhân, cơ quan, tổ chức. - Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật). - Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. - Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của đương sự. |