4 trường hợp được xóa nợ thuế

15:10, 17/07/2019

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/219 quy định cụ thể các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bao gồm:

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

2. Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

3. Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không còn khả năng thu hồi.

4. Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Như vậy, các trường hợp được xóa nợ nêu trên là người nộp thuế (NNT) đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản, kể cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế còn nợ; hoặc đã bị phá sản theo quyết định của Tòa án và không còn tài sản để nộp thuế; hoặc NNT đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh, cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thu nợ nhưng NNT không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ và khoản nợ thuế thì đã quá 10 năm không còn khả năng thu hồi.

Quy định nêu trên cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ chế để thực hiện việc xóa nợ cho những khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi: i) NNT đã chết hay mất tích; ii) những khoản thuế phát sinh quá lâu (thường là trên 5-10 năm); iii) những khoản nợ thuế của những đối tượng không có khả năng thanh toán và bị tuyên bố phá sản; iv) những khoản nợ thuế mà chi phí để thu hồi cao hơn số tiền có thể thu về được; xóa nợ cho những trường hợp bất khả kháng do nguyên nhân thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, hoặc do thay đổi chính sách,…

Đảm bảo chặt chẽ trong việc thực hiện xóa nợ đọng thuế

Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ trong việc thực hiện xóa nợ đọng thuế, tránh lợi dụng thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) thì Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định trách nhiệm của NNT đã được xóa nợ, nếu NNT quay lại kinh doanh thì trước khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, NNT phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xoá. Cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào NSNN trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cũng đã quy định trình tự thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền xóa nợ thuế khá chặt chẽ, phải thực hiện qua nhiều cấp, nhiều khâu, từ cấp Chi cục Thuế/Cục Thuế là cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế đến UBND cấp tỉnh, thành phố, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời việc xóa nợ thuế cũng được lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành, qua nhiều bộ phận có liên quan và công khai lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, chịu sự giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp, HĐND các cấp, cơ quan Kiểm toán nhà nước, UBMTQ VN và Quốc hội.

Hàng năm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải báo cáo tình hình và kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho HĐND cùng cấp vào kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính phải tổng hợp tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi quyết toán NSNN.