Họ là thợ xây. Những công trình vươn cao được họ “viết” bằng mồ hôi là bài ca để đời. Nhưng trong số họ có nhiều người không trọn vẹn niềm vui, bị tai nạn lao động (TNLĐ) bất ngờ, nụ cười vụt tắt...
Ông Nguyễn Mạnh Bạo, Chánh Thanh tra Sở Lao động - TBXH băn khoăn: Nhiều đơn vị khi xảy ra TNLĐ báo cáo chậm, không đầy đủ thông tin, thậm chí không khai báo, mà tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân. Hậu quả của việc không nghiêm túc khai báo với cơ quan chức năng là cả bên sử dụng lao động và người lao động đều phải chịu thiệt thòi.
Đã sau hơn 6 tháng chồng mất do TNLĐ, mẹ con chị Nguyễn Thị Nhung, xã Phượng Tiến (Định Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Nhung nói trong hơi thở mệt mỏi: Chồng tôi là Lương Văn Sách làm việc tại Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng 39 (Thái Nguyên). Ngày 9/12/2020, trong lúc thi công tại công trình nhà lớp học, Trường Tiểu học Phượng Tiến, anh bị ngã từ tầng 2 xuống nền đất. Anh mất tại Bệnh viện huyện do chấn thương quá nặng.
Chuyện TNLĐ, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng phòng Phòng Chính sách Lao động (Sở Lao động TBXH) cho biết: Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 670 vụ TNLĐ, với hơn 700 người bị tai nạn. Tổng thiệt hại trên 5 tỉ đồng và hơn 10.000 ngày công lao động. Ông Sách chỉ là 1 trong số hơn 200 trường hợp bị TNLĐ dẫn đến tử vong. Còn hàng trăm trường hợp khác sau TNLĐ phải mang thương tật suốt đời.
Cho dù lời cảnh báo mất an toàn lao động hằng năm được gióng lên. Các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có sự quan tâm hơn tới công tác an toàn vệ sinh lao động nhưng sự cố bất đắc dĩ vẫn xảy ra với hậu quả khó lường.
Ví như năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 138 vụ TNLĐ, làm 139 người bị TNLĐ, tăng 36 vụ và 34 người bị nạn so với năm 2019. TNLĐ có thể xảy ra ở bất cứ ngành, nghề nào nhưng nhiều nhất vãn là ở lĩnh vực xây dựng, khoảng 30% tổng số vụ việc. Chủ yếu do ngã giàn giáo; bị điện giật; sập đổ công trình. Nhiều trường hợp xảy ra TNLĐ có nguyên nhân rất đơn giản, song hậu quả hết sức nặng nề. Nạn nhân Nguyễn Văn Sinh, xóm Táo 2, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) là một minh chứng. Ông Sinh được một gia đình hàng xóm thuê rọi lại mái nhà, nhưng vì bất cẩn, tấm lợp bị vỡ, ông Sinh rơi xuống nền nhà tử vong ngay tại chỗ.
Ngành xây dựng luôn bận rộn, cực nhọc và đeo bám nhiều rủi ro. Tuy nhiên đây cũng là ngành thu hút được một lực lượng lớn lao động, chủ yếu lao động thời vụ và lao động tự do. Khoảng 80% người lao động không được tập huấn an toàn lao động; không có BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và nhiều trường hợp không được cấp các trang thiết bị bảo hộ lao động, kể cả khi làm việc trên cao.
Nhiều người làm việc ở lĩnh vực xây dựng không được huấn luyện về an toàn lao động và không có bảo hộ lao động.
Bản thân người lao động cũng chưa coi trọng kỷ luật lao động, như ngại đội mũ bảo hộ, mang dây đai an toàn. Nhiều đơn vị xây dựng cũng chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo hộ cho người lao động, không tổ chức cho người lao động tập huấn về kỹ năng an toàn vệ sinh lao động. Chỉ khi sự cố mất an toàn xảy ra, chủ sử dụng lao động mới ý thức được hậu quả thiệt hại khôn lường. Mất người, mất của, mất uy tín, thương hiệu đơn vị.
Bài học nhãn tiền xảy ra tại Công ty xây dựng Yên Lạc (Vĩnh Phúc) là một điển hình. Từ cuối năm 2017, tại công trường đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận xóm Chúng, xã Tân Dương (Định Hóa) đã xảy ra TNLĐ dẫn đến chết người. Nạn nhân là ông Hoàng Văn Tuấn, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Ông Tuấn có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty. Vào làm việc nhưng ông Tuấn không được Công ty cho tham gia huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động và chưa được tham gia BHXH. Nên sau vụ việc xảy ra, Công ty phải gánh chịu nhiều hậu quả, như phải bồi thường cho nạn nhân theo quy định của pháp luật số tiền 190 triệu đồng, phải chấp hành chi trả trợ cấp tuất hằng tháng cho cháu Hoàng Nguyễn Tú Anh, con đẻ của ông Tuấn đến năm 18 tuổi, mức trợ cấp gần 700.000 đồng/tháng. (Khi đó bà Nguyễn Thị Tư, vợ ông Tuấn mới có mang cháu Tú Anh 2 tháng).
Rồi việc Công ty cổ phần Khai khoáng Miền Núi - Mỏ đá Núi Chuông (Thái Nguyên) ký kết hợp đồng lao động dưới 12 tháng với ông Mai Văn Đảnh, xã Đông Sơn, T.P Tam Điệp (Ninh Bình). Ông Đảnh được biên chế vào Tổ khoan, nổ mìn, làm việc trên cao, nhưng không được huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Ông Đảnh được Công ty trang bị dây đai an toàn, nhưng chủ quan, không đeo nên đã rơi tự do từ độ cao 25 mét trên mép núi xuống, tử vong tại chỗ… Công ty phải bồi thường, trợ cấp các khoản cho gia đình ông Đảnh theo quy định của pháp luật. Cả Ban Giám đốc Công ty, những người trực tiếp liên quan phải nhiều ngày mất ăn, mất ngủ, viết tường trình, kiểm điểm và chịu hình phạt của pháp luật.
Bị ngã giàn giáo, trượt chân rơi từ trên cao xuống, bị phóng điện cao thế dẫn đến chết hoặc tàn phế suốt đời là lẽ đương nhiên. Nhưng có những pha tử nạn trong lúc lao động sản xuất không ai ngờ tới.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Công, người lao động tại Công ty TNHH Xây dựng Tây Trường Giang (Thái Nguyên) là một điển hình. Đầu năm 2019, tại công trường cầu bắc qua sông Dong (Võ Nhai), trong khi chuẩn bị máy bơm để hút nước ở mố cầu, do đường dây điện bị hở, ông Công bị điện giật tử vong. Ông Bùi Đức Huấn, có hợp đồng lao động với Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 CTCP - Chi nhánh Hà Nội, trong khi tham gia thi công công trình cầu cạn số 5, tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới, đoạn qua xã Yên Lạc (Phú Lương), đã bị thiết bị thi công sập đổ, đè chết.
Rồi như trường hợp của ông Phạm Xuân Thành, phường Phố Cò (T.P Sông Công). Ông Thành làm nghề lái xe, khi vào mỏ đá Hiên Bình (Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Xây dựng Tân Lập - Thái Nguyên) mua đá xây dựng đã sơ ý để gầu và bánh máy xúc đè lên người, tử vong trên đường đi cấp cứu. Do là khách hàng của Mỏ, không có quan hệ lao động và hợp đồng lao động với Công ty nên ông Thành không được hưởng chế độ TNLĐ theo quy định của pháp luật.
Người lao động đi làm để lấy tiền công. Nhưng không ai vì đồng tiền công mà chấp nhận mất đi mạng sống. Bởi tai nạn xảy ra kéo theo bao nỗi niềm đau khổ, dằn vặt lương tâm của người liên quan. Thân nhân nạn nhân nhận được tiền bồi thường nhưng hẫng hụt vì mất người, hoặc phải mang một gánh nặng trong nhà có người tàn phế. Còn chủ sử dụng lao động bất an do lương tâm dằn vặt, vì bao thân phận phải dang dở cuộc đời.
Mong sao sau mỗi công trình mới được dựng lên là “bài ca” người thợ xây được cất lên trọn vẹn. Vì một lẽ giản đơn, sau lưng người thợ xây dựng là một mái ấm gia đình…