Xanh mướt chè Khe Mo

09:04, 18/07/2021

Khe Mo là xã miền núi của huyện Đồng Hỷ, diện tích đất tự nhiên 3.016ha. Những năm gần đây, cây chè phát triển mạnh và được coi là loại cây làm giầu của bà con nông dân ở mảnh đất này.

Thời điểm hiện tại, diện tích chè kinh doanh của xã khoảng 400ha và được trồng, chăm sóc theo các quy định nghiêm ngặt về sản xuất chè sạch, an toàn. Trên cơ sở hiệu quả kinh tế do giá trị của cây chè mang lại, bộ mặt làng quê của xã Khe Mo đã đổi thay nhanh chóng.

Từ ngã ba Linh Nham, chúng tôi cho xe men theo con đường 269 uốn lượn qua những xóm làng trù phú. Thấp thoáng các ngôi nhà tươi màu sơn mới ẩn hiện giữa ngút ngàn màu xanh của các loại cây trái, nhiều nhất là màu xanh của chè.

Dòng sông Mo Linh mỏng mềm như dải lụa bắt nguồn từ những cánh rừng xa thẳm chảy qua xã dường như càng duyên dáng, quyến rũ hơn trong mơ màng sương núi và sắc non xanh của những nương chè. Dưới nắng mặt trời, mơn mởn búp chè ánh lên ngời ngợi.

Khác với nhiều nơi trồng chè của tỉnh, chè Khe Mo chủ yếu được trồng trên đất bãi và ven chân đồi, phía trên là diện tích rừng trồng để giữ nước, các mảnh ruộng trũng thấp hơn trồng lúa.

Trò chuyện và tận mắt chứng kiến người nông dân trồng, chăm sóc và chế biến chè, chúng tôi hiểu vì sao cây chè trên vùng đất này lại phát triển mạnh và có vị thơm ngon đến thế.

Bí quyết của họ là cẩn trọng ở từng khâu, từ chọn giống, làm đất, trồng, chăm sóc và thu hái. Nhờ áp dụng và tuân thủ yêu cầu của tiêu chuẩn sản xuất an toàn, sản phẩm chè Khe Mo được người tiêu dùng tín nhiệm. Giá trị sản phẩm ngày càng cao, đời sống của bà con làm chè được cải thiện.

Cũng như nhiều nơi trồng chè, giống chè bà con Khe Mo canh tác chủ yếu là các loại chè cành như Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, Long Vân và chè lai F1. Đó là những loại chè thông dụng, cho năng suất cao và được người tiêu dùng ưa thích.

Chè Trung du hiện chỉ còn rất ít và được trồng tại các sườn đồi. Đặc điểm chung của các loại chè này là khi trồng cho tỷ lệ sống cao. Khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng khí hậu thổ nhưỡng khá tốt. Cây sinh trưởng khỏe, thân dạng tán, cành nhiều, phát triển cân đối thiên về chiều ngang, mật độ búp dày và mập, rất thích hợp cho chế biến chè đặc sản.

Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ trồng chè liên kết, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Hợp tác xã chè Thu Hiền giới thiệu khá kỹ về việc lựa chọn giống chè trên đất Khe Mo, kỹ thuật trồng và thu hái để đảm bảo sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Hợp tác xã chè của chị Hiền được thành lập từ năm 2017, sau nhiều năm chị sản xuất kinh doanh theo mô hình hộ gia đình. Thừa hưởng chất chè đậm đà chát ngọt, hương thơm thoảng sâu mà quyến rũ do vùng đất và khí hậu mang lại, sản phẩm của Hợp tác xã chè Thu Hiền còn tạo thêm nét khác biệt riêng cho mình.

Chị Hiền tâm sự: “Chúng tôi đề cao sự mộc mạc, giản dị. Ngay cả tên các loại chè, cũng đơn giản chỉ là: Tôm 1 lá, tôm 2 lá, tôm 3 lá, tôm nõn… Người sử dụng chỉ cần đọc tên là biết được “đầu vào” của sản phẩm như thế nào. Giá trị cốt lõi nằm ở chất lượng thực tế. Chén trà thuyết phục hơn cái tên mĩ miều”.

Với lợi thế là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của xã, Hợp tác xã chè Thu Hiền đã được nhiều hộ trồng chè liên kết cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, cùng đội ngũ khuyến nông hướng dẫn các hộ nắm vững kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Từ đó đầu tư thiết bị, tăng sản lượng chế biến chè. Để tôn vinh vùng đất quê hương, Hợp tác xã sử dụng toàn bộ mẫu mã bao bì khẳng định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại Khe Mo.

Gia đình chị Trương Thị Phương, thành viên Hợp tác xã BKQ xã Khe Mo chế biến chè.

Ra đời muộn hơn đôi chút là Hợp tác xã trồng và chế biến chè BKQ. Từ một hộ dân trồng chè, được sự khuyến khích tạo điều kiện của chính quyền, gia đình kết hợp với đối tác tại địa phương khác có tiềm lực tài chính thành lập hợp tác xã và xúc tiến trồng thực nghiệm chè theo phương pháp hữu cơ. Tiến hành liên kết với các hộ nông dân trồng, chế biến và tiêu thụ các loại chè đặc sản.

Một trong những hộ gia đình ở Khe Mo sống nhờ vào cây chè là anh Nguyễn Văn Thịnh, xóm Dọc Hèo.

Rót mời chúng tôi chén trà mới pha nước xanh nhẹ, hương thơm dịu, anh Thịnh mộc mạc kể: “Gia đình tôi có trên 6 sào giống chè lai F1, mỗi lứa thu hoạch khoảng ba tạ chè búp tươi. Một năm thu hoạch 9 lứa chè chính vụ. Thời gian trước, gia đình thu hái rồi gia công chế biến. Gần đây, toàn bộ chè búp tươi tôi đều bán cho Hợp tác xã chè Thu Hiền, ở đó họ có điều kiện chế biến các loại chè chất lượng cao hơn. Do ảnh hưởng của dịch COVD - 19 nên giá chè búp tươi lên xuống thất thường, tuy nhiên trừ các chi phí gia đình tôi cơ bản có cuộc sống ổn định. Tôi vừa trồng thêm 5.000 chè cành trên diện tích khoảng 8 sào”.

Đến các xóm, tôi thực sự ấn tượng về sự phát triển của cây chè. Có mặt tại Khe Mo từ trên 50 năm nay, tuy nhiên số hộ chuyên canh cây chè và diện tích trồng chè các năm trước chưa nhiều.

Những năm qua cấp ủy, chính quyền trong xã đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các hộ dân phát triển cây chè từ tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, trồng và chăm sóc. Khuyến khích bà con tận dụng đất đồi bãi, khe lạch trồng chè, thay đổi tập quán canh tác và chuyển đổi một số loại cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại chè mới.

Những hộ gia đình khó khăn được xã hỗ trợ vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội. Đến nay tất cả các xóm đều trồng và chế biến chè, nhiều xóm có diện tích trồng lớn như Đèo Khế, La Nưa, La Dẫy, Ao Rôm 1, Ao Rôm 2.

Xã đã xây dựng được hai làng nghề trồng chè là Làng Cháy và Tiền Phong. Lãnh đạo xã cũng rất tích cực, chủ động tiếp xúc với các doanh nghiệp lo đầu ra cho sản phẩm, từng bước chỉ đạo xây dựng các làng nghề trồng chè và hợp tác xã trồng, chế biến chè, tạo sự liên kết giữa người trồng và thu mua để cây chè phát triển bền vững. Bà con nông dân cũng được hướng dẫn thử nghiệm chuyển từ giàn phun tưới trên lá sang tưới dưới gốc để ánh nắng không làm rám lá và giữ độ ẩm lâu hơn cho cây chè…

Nói về cây chè, ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Khe Mo say sưa: Thực hiện chủ trương phát triển cây chè của tỉnh, những năm gần đây xã lấy chè là loại cây mũi nhọn và vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích chè. Trước mắt, lãnh đạo xã tạo mọi điều kiện để thành lập thêm các làng nghề và các hợp tác xã.

Do khâu chế biến chè đặc sản đòi hỏi tay nghề cao nên phần lớn hộ gia đình trồng chè chủ yếu bán chè búp tươi. Vì vậy, ngoài việc tổ chức tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến, xã duy trì việc kiểm tra, hướng dẫn các hộ thực hiện yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo điều kiện mở rộng các cơ sở chế biến sâu và thực hiện các qui định về xuất xứ, truy xuất nguồn gốc. Từng bước tạo dựng thương hiệu và phấn đấu có các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Chương trình OCOP...”

Tiền năng phát triển cây chè của Khe Mo là rất lớn và đang được tập trung khai thác. Trong tương lại gần, Khe Mo sẽ là một trong những vùng trồng chè lớn của tỉnh. Tôi tin với cách nghĩ, cách làm như hiện nay, các sản phẩm chè được chắt lọc, kết tinh từ hương đất hương trời, từ công sức và tình cảm của người Khe Mo sẽ tiếp tục bay xa.