Mỗi bước chân nghe tiếng đất thì thầm

18:13, 04/09/2021

Khi tìm gặp một số người để viết bài này, tôi giật mình nhận ra: Lớp người sinh đầu thế kỷ 20 (khoảng năm 1930 trở về trước), là người Thái Nguyên gốc, còn minh mẫn và nhớ được các sự kiện ngày xưa… hiện không còn nhiều nữa. Tôi muốn níu họ, níu mảng ký ức sắp ra đi cùng họ. Tôi sợ một ngày, những gì chúng ta biết về giai đoạn 1944-1945 đau thương mà kiêu hùng ấy chỉ còn qua con chữ lạnh lùng. Nhìn ngày tháng trôi mà tiếc, mà thấy mình bất lực trước thời gian.

Những ngày đói khổ

Nói về nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu (1945) do phát xít Nhật gây nên đã có hàng vạn trang sách, hàng trăm công trình nghiên cứu. Cảnh đoàn người rồng rắn kéo nhau đi trên đường; những “bộ xương” run rẩy liêu xiêu, ánh mắt thống khổ cầu cứu; những hình hài còng queo tắt lạnh bên người thân không đủ sức cất một tiếng than… tôi đã xem qua phim ảnh và khóc không biết bao nhiêu lần. Nhưng khi được nghe người Thái Nguyên kể lại những ngày tháng ấy trên quê hương mình, tôi vẫn có cảm giác nghèn nghẹn nơi cuống họng.

Người đầu tiên kể chuyện này với tôi là ông Nguyễn Chính Đàm ở số nhà 9, tổ 1 phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên). Bước vào tuổi 90 nhưng khi tôi gợi về những ngày lịch sử cách đây 76 năm, ông bảo: Nhớ lắm chứ, quên làm sao được.

Nhà ông Đàm khi đó ở phố Bắc Cạn (nay là khu vực Bưu điện trung tâm, phường Phan Đình Phùng), đối diện phố Bắc Cạn là phố Chín gian (địa điểm Sở Tư pháp hiện nay). Có tên Chín gian là vì ở đây có 9 gian nhà 2 tầng người ta xây cho thuê. Thái Nguyên thời kỳ đó ít người có nhà riêng, đa số dân lao động đi ở thuê. Nhà ông Đàm thuê của ông cai Lương, diện tích khoảng 50-60m2 mà gần chục người ở.

Ông Đàm kể: Bố tôi là Nguyễn Chính Nhạn làm nghề nấu cỗ thuê, mẹ là Nguyễn Thị Sâm bán hàng tạp hóa tại nhà. Tôi được bố mẹ cho học trường tiểu học Pháp-Việt (tiền thân của Trường Tiểu học Trưng Vương ngày nay). Theo trí nhớ của ông Đàm, từ đầu năm 1945, các con phố của thị xã Thái Nguyên xuất hiện dòng người bồng bế nhau từ dưới xuôi lên. Họ đi lũ lượt, đến các nhà xin ăn. Lúc đầu mẹ tôi cho cơm, cho tiền, sau nhiều người xin quá, cho không xuể. Có nhóm hôm đầu thấy 5-7 người đi cùng nhau, rồi ít dần, rồi không thấy ai nữa… Mỗi sáng mở cửa tôi đều thấy người chết nằm trên hè phố. Người ta sai tù nhân kéo xe cải tiến nhặt xác chết, mang đi vùi ở khu âm hồn. Tiếng bánh xe nghiến trên đường và những thây người chồng chất là nỗi ám ảnh tôi đến tận giờ.

Lời kể của ông Đàm phù hợp với thông tin trong cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” của  Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Moto (xuất bản năm 2011). Thảm cảnh được một nhà báo nước ngoài tên là Vespy ghi lại như sau:“Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người ấy rúm ró nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương ra run rẩy… Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó…”

Trong số người gục xuống trên đường phố Thái Nguyên năm ấy có một phụ nữ trẻ, ôm trên tay bé trai chừng một tuổi. Đứa bé ngằn ngặt khóc vì vú mẹ không còn giọt sữa nào. Nhìn ra thấy cảnh đó, cụ Nguyễn Thị Mùi đã bế lấy đứa trẻ mang về nuôi. Bà Bùi Thị Tuất (sinh năm 1947, ở số 5, tổ 9 phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên) là con cụ Nguyễn Thị Mùi kể: Tính đến thời điểm này, dòng họ nhà tôi có khoảng 160 năm sống ở Thái Nguyên. Mẹ tôi sinh năm 1918, khi đó vừa mất đứa con mới sinh nên có ngay sữa nuôi anh tôi. Bố mẹ tôi thương quý anh như con mình đẻ ra. Anh được nuôi dạy cẩn thận, trở thành kỹ sư thủy lợi và hiện sinh sống ở Tuyên Quang.

Trong số hơn 2 triệu người chết đói thì nhiều nhất là người ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Bắc (tên cũ), Hà Đông, Thanh Hóa… Với Thái Nguyên, nạn đói xảy ra trầm trọng ở làng Đồng Quang thuộc tổng Đồng Quang, huyện Đồng Hỷ, phủ Phú Bình (địa danh thời Pháp thuộc).

Làng Đồng Quang khi ấy có 100 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu, trong số này 30% là người tứ xứ phiêu dạt lên định cư hoặc làm phu đồn điền, phu mỏ từ năm 1930. Hai đồn điền lớn là Gia Sàng và Kíp Lê chiếm hầu hết phần đất màu mỡ của làng. Ấp Trại Được có 70 người, chết 32; xóm Cầu Tre có 85 người, chết 17; xóm Phú Thái có 80 người, chết 15… Những địa danh ám ảnh người dân Thái Nguyên vì có nhiều ngôi mộ tập thể, như xóm Sắn (Đồng Quang); trại tế bần Bến Tượng (nay là khu vực thị trấn Chùa Hang); cầu Gia Bẩy; khu Hai Dốc (gần UBND thành phố); khu Âm hồn (khu vực Trung tâm Y tế thành phố hiện nay)…

Câu chuyện dưới mỗi bước chân

Thông thường, để lưu giữ nỗi đau chiến tranh làm bài học giáo dục truyền thống, trân trọng độc lập - hòa bình, người ta lập bảo tàng trưng bày vũ khí, bảo tồn hầm hào, lô cốt, nhà tù. Riêng nạn đói kinh hoàng 76 năm trước, di vật có chăng chỉ là những nấm mộ khổng lồ đây đó còn sót lại trên đất nước này. Tôi định đi tìm những nhân chứng kể lại điều mắt thấy tai nghe trong cuốn “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử”. Đó là ông Đỗ Mạnh Đích, Nông Văn Bền, Nguyễn Văn Giai (Đồng Quang); ông Ngô Thái, Nguyễn Văn Mưu, Quản Văn Khuê (Đồng Bẩm)… Nhưng tôi chợt nhớ ra, họ đều ở tuổi “quá hiếm”, và chắc hẳn phần nhiều đã ở cõi hư vô lâu rồi.

Nếu không trở về “ngày xưa”, khó ai biết mỗi tấc đất hôm nay chứa bao điều muốn kể. Phường Đồng Quang bây giờ nằm ở vị trí trung tâm thành phố Thái Nguyên với nhiều hàng ăn nổi tiếng như Quán nướng ngon, Nhà hàng 135, Dutra Coffee, Hải sản 195, Bánh mỳ chảo. Khu vực đồn điền Kíp Lê xưa, nay thuộc phường Tân Thịnh, có siêu thị Thanh Niên, Hoàng gia Plaza, Rạp chiếu phim Beta. May sao có chợ Phú Thái và phố Phú Thái buôn bán tấp nập còn mang tên cũ. Để tìm những địa danh ám ảnh thuộc làng Đồng Quang năm 1945 như Trại Dự, Trại Được, Cầu Tre, Suối Tre, xóm Núi, xóm Sắn, tôi đã “rà” Google Map sang những địa phương lân cận. Ở phường Thịnh Đán tôi gặp chung cư Tecco Complex ngất ngưởng 30 tầng, cao nhất trong các chung cư của Thái Nguyên hiện nay; sang xã Tân Cương tôi thấy phim trường sống ảo Woderland, Không gian văn hóa Trà, đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí; “lội” vào tận xã Phúc Trìu tôi gặp vô số khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Không biết những tên xưa giờ lưu lạc nơi nào?

Thời gian dành ân huệ cho con người bằng cách vá lành mọi vết sẹo, làm nhạt mọi nỗi đau, niềm nhớ. Nhưng quá khứ chỉ khép lại chứ không biến mất, nó vẫn ở trong tim óc mỗi người, để ta có thể nghe tiếng đất thì thầm dưới mỗi bước đi.