Ông ngồi bên ấm trà, mắt nhìn về miền xa ngái. Chính ông cũng không biết tại sao lúc đó mình lại dũng cảm như vậy. 4 mạng người được ông vớt lên từ dòng nước dữ, thì có 3 người thoát “lưỡi hái thủy thần”. Biệt hiệu “kình ngư” người dân trong vùng đặt cho ông Nguyễn Kim Liễu, xóm Bầu, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên), cũng từ việc cứu người đuối nước.
“Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp”. Giả như lời người xưa dạy được linh ứng, thì ông Liễu đã xây được 21 tòa tháp. Chưa kể một nhân mạng chết ngạt nước được ông tìm vớt đưa lên bờ cho gia đình nạn nhân lo hậu sự. Ông khiêm tốn: Việc qua đã lâu, tôi không nhớ thời gian cụ thể cho từng trường hợp. Mình biết bơi, lẽ nào thấy chết không cứu.
Dưới mưa rả rích, dòng sông Cầu chợt hung hãn hơn. Khắp mặt sông nhòe nhoẹt màu đất đỏ sậm. Đến đoạn sông đi qua địa bàn xã Huống Thượng, nơi ông Liễu vớt lên bờ 4 mạng người mang một màu lờ đờ đỏ đục, gờn gợn lạnh. Nhiều người cao niên có kinh nghiệm sông nước trần ngâm: Ẩn dưới đó ngoài cá tôm còn có thủy quái, chính vì thế mà nhiều người chán chường với cuộc sống chọn khúc sông này để “xóa nợ đời”.
Có 2 hạng người muốn xóa nợ đời bằng cách ùm sông. Một do bị chủ nợ dồn đuổi và một do thất tình. Giá như được người thân chia sẻ, động viên đúng lúc, bế tắc giải tỏa, họ mau chóng trở lại với cuộc sống đời thường, thấm thía hơn lời dạy của người xưa: “Sự sống là món quà qúy giá nhất”. Nhiều người qua kiếp nạn gọi ông Liễu là ân nhân, là người sinh ra họ lần thứ hai.
Ông Liễu vui vẻ nói: Những người được tôi lôi từ đáy sông lên bờ, lễ tết năm nào cũng đến. Họ mang theo chồng, hoặc vợ và cả những đứa con được sinh ra sau lần có hành động dại dột. Có người xin nhận tôi là bố. Tôi bảo: Cứ sống tốt cho bản thân mình, thấy giúp đỡ được ai thì đừng chần chờ, làm ngay và đừng nghĩ đến một ngày người ta trả ơn.
Cũng từ suy nghĩ như thế, nên mỗi lần lao xuống dòng nước dữ cứu người, ông không hề toan tính. Rồi khi thấy người đuối nước qua cơn nguy kịch, ông thở phào trở lại với công việc kiếm cơm của mình. Thậm chí không hỏi xem họ là ai, từ đâu đến, tại sao ùm sông. Mà ông chỉ biết về lai lịch khi người ùm sông không chết, tự tìm đến nhà cảm ơn, nhân đó dãi bày tâm sự. Vốn người hiếu khách, ông dành cả buối lắng nghe, sau đó khuyên giải cho họ điều hơn lẽ thiệt. Nhưng khi được hỏi về từng trường hợp cụ thể, ông lắc đầu bảo: Để cho người ta sống bình yên. Chuyện riêng tư không vui, nhắc lại làm gì.
Cử chỉ chất phác, điềm đạm, không kể lể về việc giúp người càng khiến bà con trong vùng trân quý. Vâng! Ông được sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con. Nhà bên dòng sông Cầu, từ nhỏ đã theo chúng bạn lội sông tập trận, thỉnh thoảng ông có mang về cho bố mẹ con cá cải thiện bữa ăn. Hồi bấy giờ đâu có lớp học bơi năng khiếu, đều do bọn trẻ xóm Bầu đứa lớn dìu đứa nhỏ, ôm cây chuối, đạp đành đạch vào mặt sông rồi biết bơi lúc nào chẳng hay.
19 tuổi (2-1975), Lệnh Tổng động viên, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Biền biệt 8 năm xa nhà, ông trải qua mặt trận phía Nam; làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Lào, Cam Pu Chia, rồi cùng đồng đội lên biên giới Lai Châu, Điện Biên làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Ông kể: Chuyện đời lính ai chẳng giống ai. Nhưng tôi có cái khác là được lãnh đạo đơn vị giúp tổ chức cưới vợ. Đám cưới trong điều kiện biên giới có xung đột, nên mọi việc đều giản dị. Ngày phục viên (cuối năm 1982), tôi mang theo vợ về trình diện bố mẹ. Cả họ ai nấy đều mừng, bố mẹ cho bụi tre ngà bị đổ rạp do trận mưa đầu hạ, dặn thêm độc câu: Tự chặt rồi mang ra bãi sắn rìa sông làm nhà.
Một ngôi nhà có hình dáng kì dị, gồm 1 gian, 2 chái được vợ chồng ông dựng lên che trú mưa nắng. Được giời phú cho sức khỏe, 2 vợ chồng lăn lộn ngoài soi bãi lấy củ sắn, chăn nuôi thêm lợn, gà, tranh thủ thời gian đóng gạch. Có chút vốn liếng ông mua 2 giàn máy xay sát ngô, gạo phục vụ bà con. Rồi nông nhàn xuống sông đội cát, sỏi bán cho công trình xây dựng. Sau 9 năm cần kiệm, vợ chồng ông đã xây được ngôi nhà 4 gian mái bằng.
Làm nông cực nhọc, làm cát, sỏi càng cực nhọc hơn. Bởi cái thúng cát, sỏi luôn đứng trên đầu, trên cổ, nước chảy tràn qua mặt, lắm lúc mồ hôi chảy vào mắt cay xè không dám lau. Đường từ dưới sông lên bờ trơn nhệnh nhệch, sơ ý là trẹo chân, chệch khớp sống lưng, thậm chí gẫy cổ, mất mạng. Nhưng không còn sự lựa chọn nào hơn. Ông gắn bó với công việc đội cát, sỏi 21 năm, và nếu như không có lệnh cấm khai thác của Nhà nước, chắc trên đầu, trên cổ ông còn gắn bó với cái thúng cát, sỏi cho đến ngày không trụ vững được trên đôi chân của mình.
Nhâm nhi chén trà Xuân, hương trà tươi mới làm khuôn mặt ông trở nên tươi tắn. Ông bộc bạch: Tôi không biết đầu mình đã đội bao nhiêu thúng cát, sỏi, nhưng tôi nhớ có 4 người được tôi lôi từ lòng sông vào bờ. Tất cả họ đều còn rất trẻ. Họ vì bế tắc, chưa tìm được lối thoát tinh thần nên muốn mau quên bằng cách ùm sông.
Cả 4 trường hợp được ông vớt đều chọn lúc 3, 4 giờ sáng. Vụ nào cũng thế, bắt đầu thấy tiếng người chạy thình thịch, hô hoán “giữ lấy nó”. Một lát thấy tiếng ùm, thì tiếng gào thét nhức nhối của đàn bà: “Ối giời ơi, có ai không, cứu con tôi, nó nhảy sông”. Tiếng kêu cứu của những người mẹ bất lực vì con hư, nhưng tình mẫu tử không muốn đứt lìa. Họ vịn thành cầu treo Huống, nhìn theo xoáy nước trên mặt sông nhỏ dần, bất lực. không đắn đo, ông Liễu đang đội cát, sỏi ở khu vực gần đó lao xuống dòng nước.
Tại đoạn sông qua Huống, ông quen từng luồng chảy, biết chỗ nông, sâu. Bằng kinh nghiệm sông nước, ông túm tóc nạn nhân kéo vào bờ. Có trường hợp chỉ 3 lần nín hơi ngụm xuống ông đã tìm được nạn nhân. Nhưng cũng có trường hợp nạn nhân bị trôi theo dòng nước, hoặc bị xoáy nước quẩn mắc vào hốc đá nên phải mở rộng khu vực tìm kiếm. Lúc vớt được đã thành cái xác không hồn.
10 năm nay không đội cát, sỏi dưới sông, nhưng cái tên “kinh ngư” vẫn gắn vào cuộc đời ông như một thương hiệu. Bản thân ông cũng thấy vui khi được bà con trong vùng gọi như thế. Nhưng ông bảo: Tôi không muốn làm một kình ngư bất đắc dĩ. Tôi mong mọi người đều được sống yên ổn, không có ai phải đến đoạn sông trước cửa nhà tôi để xóa nợ đời bằng cách bất đắc dĩ như thế…
10 năm nay ông không phải lặn tìm người đuối nước. Ông làm một nông dân thực thụ, tiên phong đi đầu phong trào sản xuất ở xã. Các con đã trưởng thành, có công việc riêng, 2 vợ chồng ông vẫn đảm nhận 1,2 mẫu ruộng cấy 2 vụ lúa/năm; 7 mẫu đất trồng 2 vụ ngô/năm và duy trì 2 lứa lợn/năm. Mỗi lứa nuôi hơn 100 con, với trọng lượng khi xuất chuồng từ 130kg đến 150kg/con.
Hỏi thu nhập, ông đủng đỉnh trả lời: Nông dân chúng tôi ăn chắc, mặc bền. Tính theo sản phẩm 1 năm thu hoạch 5 tấn thóc, 21 tấn ngô và gần 30 tấn lợn hơi xuất chuồng. Thóc ngô làm ra chủ yếu chăn nuôi lợn. Dư dật hơn thì giúp bà con ngày giáp vụ không lấy lãi… Như biết chúng tôi băn khoăn về nhân công lao động, ông giải thích luôn: Nông dân bây giờ ít phải động tay vào đất. Hầu hết các công đoạn trồng ngô, cấy lúa, chăn lợn đều có máy móc hỗ trợ.
- Giả như bây giờ thấy người “giã gạo” dưới sông, ông có dám cứu không? - Tôi buột miệng hỏi.
- Phải cứu. Vì mình là người biết bơi.
…Nhưng tôi mong sẽ không còn người dại dột chạy đến khúc sông này để ùm. Và để ông - một kình ngư gần tuổi thất thập cổ lai hi không phải một lần nữa trong đời nhảy xuống dòng nước dữ, nhất là dịp mưa lạnh như trung tuần tháng Hai năm con hổ này.