Núi Cốc khi Xuân về

09:57, 04/02/2022

Vãn cảnh hồ Núi Cốc những ngày Xuân Nhâm Dần đem lại cho mỗi người một cảm giác rất lạ. Với tôi, đi thuyền trên hồ Núi Cốc, chịu cái lạnh đến bầm môi nhưng thú vị. Khắp nơi một màu xanh dịu. Hoa lá, cỏ cây trên các đảo trong lòng hồ buông thân đung đưa trên mặt nước dâng cao tới 4-5m so với mùa Hạ. Nước len lỏi vào khe lạch, từng lớp sóng nhỏ mơn man như bàn tay thiếu nữ vỗ về thì thầm, nhè nhẹ nâng con thuyền lướt đi…

Như đã hẹn với Thiếu tá Trần Ngọc Thắng, Trưởng Ban Hành chính của Đoàn An dưỡng số 16 (Quân khu 1), chúng tôi có mặt tại đập khu Nam hồ Núi Cốc khi nắng đã hửng, dần làm tan lớp sương mờ ảo trên mặt hồ. Con tầu cao tốc mang phiên hiệu ST720 do Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Đoàn điều khiển rẽ nước tiến chầm chậm vào bờ. Nhanh như dân chài lưới chuyên nghiệp, Thiếu tá Đoàn thả mỏ neo để giữ thăng bằng cho tầu rồi thoăn thoắt kéo thang dây, giúp từng người trong đoàn chúng tôi lên khoang tầu. Áo phao đã cài chắc khuy trên, khuy dưới, máy quay, máy ảnh nai nịt, bao chụp túi ni-lon trong suốt phòng bọt nước bắn vào làm mờ ống kính, anh em báo chí háo hức bước vào chuyến tác nghiệp trên hồ Núi Cốc.

An vị trên tàu nhưng anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi công tác tại Báo điện tử Dân Việt cứ mải nhìn bảng hiệu treo trên sườn tầu với dòng chữ “Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng”. Hiểu ý nên Thiếu tá Đoàn nhanh nhẹn giải thích, đây là tầu cao tốc hiện đại được Đại tướng Phùng Quang Thanh tặng cho tập thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn An dưỡng số 16 vào năm 2010 để phục vụ công tác chuyên môn.

Con tầu này được Nhà máy Z189 thiết kế và sản xuất theo tiêu chuẩn phương tiện đường thủy chuyên dụng với giá thành lên tới 25USD/kg (tính theo tổng trọng lượng con tầu). Khi mới đưa vào sử dụng, tầu ST720 là niềm hãnh diện của cả Khu du lịch hồ Núi Cốc vì độ "sang chảnh" không thua kém các tầu cao tốc ở bãi biển Hạ Long.

Bình minh trên hồ Núi Cốc.

Được ưu ái dành chiếc tầu hiện đại nhất để đưa tham quan hồ Núi Cốc nên các nhà báo trong đoàn chúng tôi ai cũng phấn khởi ra mặt, cười nói rất vui vẻ. Chuyến đi thú vị hơn khi Thiếu tá Đoàn am hiểu lịch sử, cảch sắc nơi đây và giới thiệu nhiều điều về hồ Núi Cốc, hài hước trả lời các câu hỏi. Điều khiến mọi người trong đoàn ấn tượng hơn là Thiếu tá Đoàn vừa lái con tàu điệu nghệ như người kỵ sĩ phi tuấn mã trên thảo nguyên vừa ngân vang lời hát huyền thoại hồ Núi Cốc giữa mênh mông sóng nước. Lời ca của người lái tầu tài hoa không chỉ gợi lại mối tình dang dở của nàng Công, chàng Cốc mà vợi vợi một nỗi nhớ quê cha, đất Tổ của những người dân bản địa đã hy sinh lợi ích cá nhân di dời đến nơi ở mới cho lòng hồ được rộng, tươi đẹp như ngày nay.

Du ngoạn trên mặt nước hơn 2 giờ đồng hồ, đi sâu trong các khe lạch và cập bến vào các đảo đem lại cảm nhận thật nhiều thú vị về hồ Núi Cốc. Cả tỷ mét khối nước của hồ được hình thành bởi hàng trăm khe lạch, con suối chắt chiu, bồi tụ linh khí của đất trời, cỏ cây từ cung Tam Đảo hướng về biển Đông mà tuôn chảy. Rồi bỗng đến chân núi Cốc, dòng nước ấy bị ý chí quật cường của hàng vạn con người đắp đập, ngăn dòng để tạo thành vùng thủy bạc mênh mang rộng lớn tới 2.500ha. Ở vùng thủy bạc ấy nổi 89 hòn đảo như những viên ngọc bích đủ kích cỡ.

Anh Lăng Văn Đích, ở xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) nói với chúng tôi: Mỗi hòn đảo trên hồ Núi Cốc mang một cái tên khác biệt, có tên mộc mạc do người dân địa phương tự đặt như đảo Khỉ, đảo Cò, đảo Rắn, đảo Dê nhưng có đảo mang tên mỹ miều như Mỹ Nhân, Nam Phương, Kim Bảng, Long Hội. Dù tên mộc mạc hay mỹ miều thì mỗi đảo đều mang lại cho du khách những cảm nhận mới lạ, lý thú về dáng vẻ, độ cao thấp, rộng hẹp, thảm động, thực vật phong phú.

Cảnh người dân thả lưới đánh cá trên hồ.

Không chỉ có cảnh đẹp, ai đã từng đến hồ Núi Cốc sẽ bị đắm chìm trong tâm tưởng xa xăm bởi những huyền thoại về tình yêu đôi lứa của nàng Công, chàng Cốc; chuyện tình chung thủy của 3 nam thanh, nữ tú vì chờ nhau mỏi mòn rồi biến thành 3 cây thông cổ thụ; mơ màng gợi nghĩ về một ngôi làng có đình, đền, miếu mạo ngập sâu khi đập chính của hồ Núi Cốc hợp long dâng nước mấy mươi năm trước. Hay câu chuyện của những người làm nghề chài lưới trên hồ Núi Cốc kể về loài thủy quái to lớn tới vài chục cân với những chiếc vẩy bằng bàn tay con người.

Hơn nữa là, khi ra giữa hồ Núi Cốc hướng mắt vào bờ, du khách sẽ choáng ngợp bởi tượng Thích Ca Mâu Ni cao 45m an yên nhìn chúng sinh và ở nơi nào đó có tiếng mõ đều đều, nhè nhẹ vọng lan khắp mặt hồ. Đến hồ Núi Cốc, du khách còn được trải nghiệm cảm giác lạnh người khi vào thế giới của âm tào, địa phủ với những tiếng gào thét kinh dị khiến mỗi người tự răn mình khi sống ở dương gian phải làm thật nhiều điều thiện, tránh xa ác nghiệt để trăm tuổi về thiên cổ không bị đầy ải thương đau...

Không gian, cảnh sắc hồ Núi Cốc đẹp là vậy, còn những con người tôi biết nơi đây cũng thật đặc biệt. Xưa hồ Núi Cốc mới hình thành đã có những người dân bản địa gắn bó với vùng đất này, bám trụ ở một số đảo trong lòng hồ sống bán tự cung, tự cấp như các chúa đảo như các ông: Lăng Văn Tuất, Lăng Văn Viễn, Dương Văn Minh, Đặng Công Tuyến, Nguyễn Văn Cử... Nhưng cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên cư dân trong xóm vùng lòng hồ Núi Cốc rút dần về đất liền. Có một người khác, không sinh ra, lớn lên nơi vùng đất lòng hồ nhưng hơn nửa cuộc đời đã gắn bó mật thiết với mảnh đất này là ông Lê Văn Thoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần khách sạn công đoàn hồ Núi Cốc. Cả cuộc đời  ông Thoan đều đau đáu phát triển du lịch trên hồ Núi Cốc và ông đã góp phần dựng xây nên khu du lịch đẹp đẽ, lung linh nơi vùng hồ.

Một góc bên trong khu du lịch hồ Núi Cốc.

Còn anh Bình Đảo (tên đầy đủ là Đào Văn Bình), là người ưa thính cuộc sống tĩnh an nên anh đã bỏ xa phố thị trở lại một hòn đảo nhỏ gần đập chính của hồ Núi Cốc để nuôi cá lồng, trồng cây dược liệu. Ngày làm việc như một nông phu nhưng tối xuống, anh Bình Đảo lại như người nghệ sĩ cà kê hát dân ca vang vọng cả một góc hồ nên cư dân xung quanh cũng thấy vui tai.

Rồi khi gặp chị Nguyễn Thị Hiền, ở xóm Đá Dựng, xã Phúc Trìu, tôi mới thấy sức người thật phi thường. Chồng chị Hiền mất sớm, một mình nuôi con nhỏ nhưng hơn chục năm qua đã làm việc không kể nắng mưa, khuya sớm để biến cả bán đảo toàn cây dại, cỏ lau thành vùng cây ăn quả 4 mùa đều có trái chín dâng hiến cho đời...

Mỗi người có cảm nhận riêng về cái đẹp, còn với tôi, hồ Núi Cốc thực sự đẹp cả trong huyền thoại hay thực tại và mai này các nhà đầu tư có dự án mới về du lịch nên trân trọng mọi giá trị của danh thắng đã được tạo dựng bởi tự nhiên, sức người qua nhiều thế hệ.