Cây chè mang đến cho người dân xứ Thái cuộc sống no ấm, đủ đầy nhưng lúa mới là “sản vật” gắn bó với người nông dân Thái Nguyên dài lâu. Bao đời nay, lúa vẫn là nguồn lương thực chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất chăn nuôi, sinh hoạt của người dân. Hôm nay, dẫu cho các khu công nghiệp mọc lên, đất sản xuất nông nghiệp có phần thu hẹp hơn chục năm trước nhưng người nông dân Thái Nguyên vẫn viết nên những “câu chuyện” đẹp về cây lúa.
Tháng ba lúa đã xanh đồng
Gần 1 tháng trước, những cánh đồng lúa vừa ken đầy mạ non chìm trong cái lạnh thấu xương của đất trời Thái Nguyên. Rét đến muộn, nông dân đất Thái ai cũng lo những ruộng lúa vừa cấy sẽ chết vì sương giá. Vậy mà chỉ sau vài tuần, khi tiết Xuân dần hiện hữu, ẩm độ không khí tăng, những cơn mưa rả rích, ruộng thêm nước, đất thêm dưỡng chất, bao cánh đồng lúa đã bén rễ, hồi xanh.
Bà Nguyễn Thị Dậu, xóm 5, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho hay: Hơn chục năm rồi, Thái Nguyên mới đón một đợt rét kéo dài như thế. Thời tiết thay đổi nên kế hoạch sản xuất vụ xuân của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng đôi chút. Những hôm tiết trời dưới 15 độ C, chúng tôi không thể cấy lúa nên chỉ tập trung cho việc làm đất. Hôm nào thời tiết ấm áp, gia đình mới tập trung cấy lúa. Khởi đầu một vụ mùa mới không mấy thuận lợi nhưng đến nay, chúng tôi đã yên tâm phần nào.
Ngắm những cánh đồng lúa đã lên xanh, tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày đã xa. Hồi ấy (cách nay đã hơn 20 năm rồi), lần đầu tiên theo nông dân ở La Bằng (Đại Từ) ra ruộng cấy lúa, tôi vô cùng lúng túng khi những nhành mạ non cắm xuống đổ nghiêng ngả trên mặt ruộng. Phải mất cả buổi sáng, 3, 4 người mới cấy hết hai sào ruộng. Ai cũng kêu lưng mỏi nhừ vì phải khom người cấy lúa liên tục trong vài giờ đồng hồ. Thiếu nhân công, các hộ dân phải đổi công cho nhau nên dẫu có mệt mỏi, chỉ sau bữa cơm trưa đạm bạc, họ vẫn phải quay lại cấy nốt những chân ruộng còn lại.
Trải nghiệm ấy đã giúp người làm báo trẻ như tôi thấu hiểu hơn những vất vả của người nông dân “một nắng hai sương” để làm ra bông lúa, hạt gạo. Tuy nhiên, tôi rất vui khi 5 năm trở lại đây, nông dân không còn phải chịu cảnh “bí bó” nhân công mỗi khi vào vụ mới. Nhờ đưa cơ giới hóa vào phục vụ các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch lúa…, người làm nông nghiệp ở đất Thái đã “thảnh thơi” hơn rất nhiều.
Cánh đồng lúa ở Điềm Mặc (Định Hóa) đẹp như một bức tranh.
Bởi vậy, chỉ sau hơn một tháng tập trung cho mùa vụ, nông dân Thái Nguyên đã hoàn thành vụ cấy trên 28,1 nghìn ha lúa xuân, vượt 2% so với kế hoạch. Với việc đưa các giống lúa năng suất, chất lượng như J02, Hương Thơm… vào sản xuất, mục tiêu năng suất đạt 54 tạ/ha của Thái Nguyên chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay.
Thâm canh bằng những kỹ thuật tiên tiến
Đi cùng với việc đưa vào gieo cấy các giống lúa năng suất, chất lượng, nông dân Thái Nguyên áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh, tăng năng suất cho cây lúa. Trong đó, kỹ thuật 3 giảm (Giảm lượng giống gieo sạ - Giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh - Giảm lượng phân đạm) - 3 tăng (Tăng năng suất lúa - Tăng chất lượng lúa gạo - Tăng hiệu quả kinh tế) đã được bà con áp dụng từ hơn 10 năm nay và mang lại hiệu quả cao. Bà Ma Thị Lụa, xóm Khuôn Vạc, xã La Hiên (Võ Nhai) nói: Từ khi chúng tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn thực hiện kỹ thuật 3 giảm - 3 tăng, hiệu quả thu được từ cây lúa đã tăng lên rõ rệt.
Theo chia sẻ của bà Lụa, khi sử dụng lượng giống lớn, người nông dân không chỉ tăng chi phí tiền giống, mà còn làm tăng mật độ số cây lúa trên ruộng dẫn đến dễ phát sinh sâu bệnh, hao tốn thêm số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật; tốn chất dinh dưỡng nhiều hơn, phải bón thêm phân. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đều là những độc chất, dùng nhiều có nguy cơ gây hại cho con người, gia cầm, gia súc, các động vật thủy sinh và môi trường nước, đất. Bà Lụa cho biết thêm: Nhờ áp dụng tốt kiến thức về IPM, gieo sạ đúng liều lượng hạt giống, bón phân cân đối, hợp lý, sử dụng những loại phân bón chuyên dùng cho lúa có bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng (TE), chúng tôi đã hạn chế được sâu bệnh hại nên chi phí đầu vào và lượng hóa chất bón cho lúa giảm, năng suất, chất lượng lúa tăng đã giúp cho giá bán thóc gạo tăng lên.
Ngoài ra, kỹ thuật canh tác lúa (SRI) cũng đã được nông dân áp dụng trên đồng đất Thái Nguyên từ hơn chục năm nay và khẳng định được tính ưu việt của nó. Ông Nguyễn Tá, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định: Với các nguyên tắc đơn giản, dễ thực hiện như: cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1-2 dảnh, điều tiết nước hợp lý, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, SRI như một luồng gió mới thổi vào hoạt động sản xuất lúa, giúp làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và mang lại cho nông dân những vụ mùa bội thu.
Câu chuyện chất lượng và thương hiệu
Cùng nông dân Thái Nguyên đi qua những thăng trầm của lịch sử, hôm nay, cây lúa Thái Nguyên đã hoàn thành xứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn và đang hướng tới sản xuất thành hàng hóa. Ông Nguyễn Tá cho biết thêm: Khi năng suất lúa đạt “đỉnh”, tư duy của người trồng lúa Thái Nguyên đã thay đổi. Hiện nay, bà con đã có ý thức nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Minh chứng rõ nét nhất là 2 năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia các mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ… và đạt được những kết quả khả quan.
Đơn cử như mô hình chuỗi liên kết sản xuất 30ha lúa chất lượng cao được T.X Phổ Yên thực hiện từ đầu năm 2021 đến nay. Hào hứng tham gia mô hình, 230 hộ dân ở xã Minh Đức vô cùng phấn khởi khi qua hai vụ lúa, bà con không chỉ được hỗ trợ 40% giá giống (lúa chất lượng cao VNR20), vật tư phân bón… mà còn được Chi nhánh Vật tư nông nghiệp thị xã bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 7-8%. Ông Chu Đức Minh, xóm 12, xã Minh Đức, hộ dân tham gia mô hình cho hay: Năng suất lúa đạt khá cao (từ 2,3-2,5 tạ/sào), sau khi trừ các khoản chi phí, chúng tôi thu lãi hơn 2 triệu đồng/sào. Như vậy, cây lúa đã trở thành hàng hóa chứ không phải chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ như trước.
Hay như mô hình liên kết sản xuất lúa nếp vải theo chuỗi ở Phú Lương được thực hiện từ năm 2020. Chúng tôi được biết, giống lúa nếp vải được gieo cấy tập trung tại 5 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch với diện tích ổn định trên 100ha và cho năng suất trung bình khoảng 48 tạ/ha. Liên kết sản xuất theo chuỗi không chỉ tăng năng suất, giá gạo nếp vải bán ra cũng cao hơn nhiều so với một số giống lúa khác trên địa bàn. Theo bà Nguyễn Xuân Huế, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản nếp vải Ôn Lương: Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm gạo nếp vải Phú Lương vươn xa trên thị trường. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, để người nông dân không “quay lưng” với loại cây lương thực này
Còn tại Định Hóa, với “danh tiếng” có sẵn, thời gian qua, mảnh đất ATK này đã định hướng cho người dân sản xuất lúa bao thai hữu cơ (toàn huyện có trên 2.600ha cấy lúa bao thai), qua đó đã tiếp tục “nâng tầm” thương hiệu loại gạo đặc sản này (mỗi năm, địa phương thu trên dưới 25 tấn lúa bao thai). Điều khiến người dân Định Hóa vui nhất chính là gạo bao thai đang được bán trên thị trường với giá 18 đến 19 nghìn đồng/kg, cao hơn trước từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg.
Có thể thấy, thay đổi tư duy trong sản xuất, người dân không chỉ giúp Thái Nguyên nổi tiếng là vùng đất “Đệ nhất danh trà” mà còn “viết nên” những câu chuyện hay về cây lúa hôm nay.