Tháng Tám, vùng cao Phú Thượng (Võ Nhai) bước vào mùa “ngọt” nhất trong năm. Bởi thời điểm này, những vườn na, ổi, nhãn, thanh long… đang độ trĩu cành. Dạo quanh vùng quả ngọt, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp niềm vui “kép” của bà con nông dân khi đa phần các loại quả đều được mùa, giá bán ổn định.
Na là một trong những loại cây ăn quả chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Phú Thượng. |
Mầm xanh từ đá vươn lên
Lập Thu, mảnh đất Phú Thượng mang đậm hơi thở của núi rừng, đem đến cảm giác thanh bình. Chúng tôi chầm chậm chạy xe máy qua các xóm Mỏ Gà, Phượng Hoàng, Nà Khao, Nà Phai… để hít hà thật sâu cái không khí man mát sau cơn mưa đêm. Giữa nền trời trắng xanh, những vườn na xanh non, trụ thanh long đầy trái chín đỏ au hay vườn nhãn trĩu quả cho chúng tôi cảm giác yên bình.
Nhanh chân băng qua những mỏm đá sắc nhọn, luồn người dưới những tán lá dày, chị Đặng Thị Thảo, ở xóm Phượng Hoàng, vào chuyện: Vào mùa, bất kể trời mưa hay nắng, tôi đều lên núi thu hoạch na, quả nào “mở mắt” đủ độ, chín tới là hái ngay. Na đang vào thời điểm chín rộ nên phải hái thật nhanh, nếu không quả sẽ nứt hoặc rụng. Chúng tôi cứ hái tới khi đầy sọt thì gánh xuống chân núi. Mấy cây ở trên đỉnh núi thì dùng ròng rọc để đưa na xuống dưới.
Còn chị Trần Tiểu Hoa, xóm Phượng Hoàng, nói: Na Phú Thượng hầu hết được trồng trên núi đá nên việc chăm sóc và thu hái đều khó khăn hơn. Từ chỗ tận dụng chút đất ít ỏi giữa các hốc đá để trồng cây, đến việc len lỏi qua những triền dốc để tỉa cành, thụ phấn cho từng bông hoa, rồi thu hoạch, gồng gánh xuống núi…
Vất vả là vậy nhưng đáp đền lại công sức của người nông dân là những quả na to, tròn, ngọt đậm với hương thơm đặc trưng, như quyện hòa tất cả hương đất vị trời của miền núi đá. Chẳng vậy mà dù không phải là vùng trồng lớn, nhưng na Phú Thượng được nhiều người biết đến, tiếng tăm chẳng thua kém na La Hiên trứ danh. Như nhà chị Hoa có hơn 500 gốc na, mỗi ngày thu gần 2 tạ quả, na hái đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó.
Không chỉ na, ổi Phú Thượng năm nay cũng được mùa, quả nào quả nấy tròn căng, ngọt dịu. Ông Hoàng Văn Thắng, ở xóm Phượng Hoàng, chia sẻ: Đến nay, tôi đã trồng ổi được ngót 10 năm. Nhờ có kinh nghiệm "canh" thời tiết để chăm cây nên vườn ổi nhà tôi năm nào cũng được mùa, mã đẹp, lại có vị thơm ngọt đặc trưng của giống ổi cao sản. Với 1 mẫu đất trồng ổi, năm nay, tôi dự kiến thu trên 15 tấn quả.
Đối với cây nhãn, năm nay tuy không “thắng đậm” về năng suất nhưng giá bán lại khá cao, 30-50 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm. Nhãn Phú Thượng có quả to, mùi thơm, vị ngọt thanh, cùi dày, vỏ mỏng có màu da đồng, hạt nhỏ, ăn giòn ngọt… nên cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Gia tăng giá trị
Đứng trên dãy núi Phượng Hoàng, phóng tầm mắt ra xa, Phú Thượng được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn của rừng và những vườn cây trái. Đứng trước khung cảnh trù phú như vậy, ít người biết, chỉ cách đây chừng hơn 10 năm, ở chính mảnh đất này, những vườn cây ăn quả rất vắng bóng.
Ông Hoàng Văn Toản, ở xóm Mỏ Gà, kể lại: Ngày trước, mỗi năm chúng tôi trồng 1 vụ lúa, trên các triền núi đá chỉ tra ngô, trồng cỏ nuôi bò. Mỗi nhà có vài mẫu ruộng, làm quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Giờ chỉ với 6 sào ổi, tôi thu hoạch quả bốn mùa, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từ năm 2011, xã Phú Thượng đã triển khai mở rộng diện tích cây ăn quả và xem đây là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Xã đã rà soát và quy hoạch lại vùng trồng cây ăn quả, khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng đối với những vùng có điều kiện phát triển cây ăn quả. Liên tiếp 2 nhiệm kỳ sau đó (2015-2020 và 2020-2025), Đảng bộ xã Phú Thượng đều xây dựng nghị quyết về phát triển vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao.
Theo đó, xã đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây ăn quả, sản xuất theo quy trình an toàn, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân… Đến nay, toàn xã Phú Thượng có hơn 154ha cây ăn quả (tăng gấp 7 lần so với năm 2010), tập trung tại các xóm: Mỏ Gà, Phượng Hoàng, Đồng Mới, Làng Phật... Trong đó có gần 36ha na, hơn 22ha ổi, 17ha bưởi, hơn 42ha nhãn, 18ha quýt… Tổng diện tích cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP đạt 54ha.
Với 130ha đã cho thu hoạch, trung bình mỗi năm, cây ăn quả đem lại cho người dân Phú Thượng tổng thu nhập lên tới trên 35 tỷ đồng. Trong đó ước tính cây na cho thu nhập 135 triệu đồng/ha/năm, ổi 390 triệu đồng/ha/năm, nhãn 128 triệu đồng/ha/năm…
Thêm nữa, trên địa bàn đã hình thành một số mô hình liên kết trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như Hợp tác xã nông lâm nghiệp Phú Thượng, hiện có 100 thành viên chính thức và khoảng 50 hộ liên kết sản xuất. Tổng diện tích trồng cây ăn quả của các thành viên, hộ liên kết là 80ha, cho lợi nhuận gần 20 tỷ đồng/năm.
Tạo đà phát triển thương hiệu
Tuy không phải là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất của huyện Võ Nhai, nhưng Phú Thượng lại được thiên nhiên ưu đãi chất đất phù hợp với nhiều loại cây trái. Cộng thêm sự cần cù, chăm chỉ của người dân, đã giúp diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn ngày càng được mở rộng. Những dốc núi trơ đá vôi trắng đã dần được "phủ" màu xanh của những tán cây và đủ loại màu sắc của quả ngọt vào vụ. Trồng cây ăn quả đang là một trong những hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phú Thượng.
Để hiện thực mục tiêu xây dựng vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phú Thượng đang tiếp tục nhân rộng một số mô hình hiệu quả; tổ chức kết nối, gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; kết nối cung - cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm vùng trồng cây ăn quả gắn với Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng và Điểm du lịch cộng đồng Mỏ Gà… Từ đó, từng bước xây dựng thương hiệu vùng trồng cây ăn quả Phú Thượng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Trần Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những vùng có điều kiện phát triển cây ăn quả, hình thành vùng sản xuất tập trung đối với những loại cây có thế mạnh và có thị trường tiêu thụ tốt như: na, nhãn, ổi, quýt... Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, xây dựng thương hiệu “cây ăn quả Phú Thượng” phát triển bền vững.
Chúng tôi rời Phú Thượng khi gió cuốn theo ánh tà dương chạy dần về phía Tây. Trời vào Thu, trong không khí dịu mát, tinh khôi, hương vị ngọt lành của cây trái Phú Thượng níu chân người khiến chúng tôi lưu luyến...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin