Nhà ở của đồng bào Cơ-tu, ngoài nhà Gươn - một loại hình kiến trúc dân gian truyền thống lâu đời - còn có một loại kiến trúc độc đáo khác mà các cư dân trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên không thể nào có được đó là nhà Moong.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà Moong là công trình mang tính sáng tạo nghệ thuật cao và quý giá của cộng đồng dân tộc Cơ-tu. Moong có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, trong lao động sản xuất, săn bắn, hái lượm và cả trong các dịp lễ hội của gia đình và của cộng đồng. Ðây còn là loại kiến trúc nhà ở độc đáo, sáng tạo mang sắc thái đặc thù truyền thống tạo văn hóa vật chất quan trọng liên hệ mật thiết đến chất lượng sống, không gian sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội...
Về lai lịch nhà Moong, Già làng B''ríu P''râm, 86 tuổi dân tộc Cơ-tu, nguyên Bí thư huyện Hiên (nay là hai huyện Ðông Giang và Tây Giang) và một số người già am hiểu phong tục tập quán của người Cơ-tu cho biết: Moong là loại Gươn biến thể không có cột cái, chỉ có 16 cột phụ chung quanh, chỉ có một cửa nhỏ và đơn giản. Nơi để họ nghỉ ngơi, vui chơi, tiếp khách và ăn uống khi gia đình có ma chay, cưới hỏi, buôn làng có tổ chức lễ hội. Moong còn là nơi hẹn hò của bao nam nữ Cơ-tu để rồi cũng từ đây mà họ nên duyên vợ chồng...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải gia đình người Cơ-tu nào cũng làm được nhà Moong. Theo phong tục tập quán chỉ có những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, khuôn viên đất ở rộng, thoáng mát thì mới làm nhà Moong. Moong thường được bố trí bên cạnh hoặc về phía trước ngôi nhà ở, phù hợp với điều kiện địa hình, không gian và môi trường tự nhiên của rừng núi... Moong cũng được làm từ các vật liệu có xuất xứ từ trong rừng như: mây, gỗ, tre nứa, lồ ô, lá nón hoặc lá tranh, lá mây...
Nét độc đáo của nhà Moong thể hiện ở khối óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo người Cơ-tu cải biên từ ngôi nhà Gươn, ngôi nhà ở truyền thống, và cả nhà kho. Mái nhà Moong có dáng hình mu rùa, đôi khi lại có dáng dấp của ngôi nhà Gươn. Chung quanh ngôi nhà được che vách bằng những tấm phên lồ ô đan kiểu nan long mốt theo chiều cao của từng ngôi nhà.
Nhằm bảo tồn vốn văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn của tỉnh, hưởng ứng năm du lịch Quốc gia 2006, Quảng Nam "Một điểm đến hai di sản thế giới" tại làng văn hóa về nguồn thôn Bờ Hôồng xã Sông Kôn, tỉnh Quảng Nam đã cho đầu tư tại đây bốn ngôi nhà Moong. Sự có mặt của các nhà Moong này đã làm thay đổi diện mạo văn hóa cả một vùng của người Cơ-tu bên bờ sông Kôn.