Kể từ đợt khai quật khảo cổ học (KCH) đầu tiên vào năm 1976 đến nay, cho thấy Làng Cả là một di chỉ cư trú thuộc văn hóa Đông Sơn. Theo kết quả nghiên cứu, các nhà sử học đã khẳng định khu di chỉ này có niên đại kéo dài từ nửa cuối thế kỷ thứ IV đến nửa cuối thế kỷ thứ II - TCN. Đối chiếu với lịch sử, thư tịch và truyền thuyết thì di tích Làng Cả cơ bản thuộc vào thời đại các Vua Hùng dựng nước, trước khi có cuộc xâm lược của nhà Hán.
Năm 2005, Sở Văn hóa TT tỉnh Phú Thọ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành đợt khai quật thứ 3 và đã phát hiện rất nhiều hiện vật quí; trong đó có 10 mộ táng đều là loại mộ đất thuộc thời đại Kim Khí, đồ tùy táng đều là đồ gốm thuộc văn hóa Đông Sơn...
Kết quả khai quật Làng Cả năm 2005 đã chứng minh nơi đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất của thời Hùng Vương, thời Bắc thuộc và thời phong kiến tự chủ. Sự phong phú, đa dạng của nhiều tầng văn hóa và giá trị lịch sử của Khu di tích khảo cổ học Làng Cả cho thấy có thể xây dựng nơi đây thành bảo tàng ngoài trời để phục vụ phát triển du lịch. Cuối cùng, sau 30 năm kể từ đợt khai quật khảo cổ học đầu tiên, năm 2006, Khu di tích KCH Làng Cả đã chính thức được Bộ Văn hóa TT công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Cùng với Khu di chỉ khảo cổ học Làng Cả, khu di chỉ KCH Xóm Rền (Gia Thanh - Phù Ninh) và Khu di chỉ KCH Gò De (Thanh Đình - Lâm Thao) với ý nghĩa và giá trị lịch sử của mình cũng đang được quan tâm, nghiên cứu để đưa vào qui hoạch tổng thể các khu di chỉ KCH cần được đầu tư, tôn tạo. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi về thăm tỉnh Phú Thọ đã dành thời gian đi tham quan các di chỉ KCH này.
Ông khẳng định, Phú Thọ là một trong những cái nôi của dân tộc Việt, nơi có nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng và phát triển rực rỡ nhất trong thời đại Kim Khí ở Việt Nam và Đông Nam Á... Các di chỉ KCH là minh chứng cho sự thật lịch sử đó. Bởi vậy, cần phải có chiến lược quy hoạch, bảo vệ lâu dài để góp phần làm tốt công tác giáo dục truyền thống, hun đúc niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.