Hát xẩm chợ đêm Hà Nội: Từ tâm hồn đến những tâm hồn

08:12, 02/01/2008

Đã hàng nghìn năm, trăm năm, mỗi huyện, mỗi tổng, mỗi làng quê đâu đâu cũng có cái chợ quê to hoặc nhỏ.

Đó là nơi đổi trao, mua bán mọi sản vật thông thường cho đời sống thiết yếu và đơn sơ của người dân mỗi vùng. Không những thế nó còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt vật chất và tinh thần, nơi có những niềm vui cho người dân một đời đằng đẵng sau lũy tre làng tĩnh lặng. Muốn ăn một món quà dân dã như bát bánh đúc riêu cua, đĩa bánh cuốn, chiếc bánh rán... phải đến chợ, dù chợ có cầu có quán hay chỉ là dưới bóng cây đa làng bốn mùa xanh tốt, có ngôi miếu nhỏ không biết thờ vị thần thánh nào, chiếc bát hương đã siêu vẹo...



Niềm vui đi chợ còn là biết được tin tức làng bên hay trên huyện, và ngay ở xóm thôn nơi người ta cư ngụ, có chuyện gì đó mới xảy ra, cô gái đẹp mới đi lấy chồng, một ông chồng giầu có, hoặc nhà ai đó bị bỏ bỗng rượu vào ruộng cho tây đoan về khám, bắt được bỏ tù trên tỉnh, cũng có khi là nước lũ về, ông quan huyện quá nghiêm khắc, chôn chân ông lý trưởng ngay trên mặt đên vì thiếu tre để hộ đệ...

Một niềm vui khác hầu như chợ quê nào cũng có, dù lâu lâu mới có, đó là anh xiếc khỉ, vừa nói huyên thuyên luôn miệng vừa đấm thùm thụp vào ngực mình để quảng cáo cho món thuốc cao hiệu nghiệm như thần, đôi lúc dừng lại, cho con khỉ làm xiếc, gánh đôi thùng bằng hai cái ống bơ sữa bò, đi vòng tròn quanh bãi chợ có người đứng quây kín, vừa nghe vừa xem vừa bàn luận gì đó. Nhưng cũng đủ cho người dân quê đi chợ thêm vui vẻ, phấn chấn giây lát.

Vì người đi chợ là chị đỏ, anh hai, bác thợ cầy, bà bủ... quanh năm hai sương một nắng trên đồng ruộng, không hề biết giải trí, ca nhạc, phim ảnh hay sân khấu là gì bao giờ. Nay gặp đám hát xẩm đã là niềm vui to lớn, hoan hỉ suốt cả nhiều ngày sau đó, về có chuyện kể cho hàng xóm láng giềng, con cháu cùng chia vui dưới ánh trăng hay ngọn đèn hoa kỳ nhỏ như hạt đỗ của làng quê im ắng với trăm bề thiếu thốn.

Đám hát xẩm thường là đôi vợ chồng nghèo, đôi khi kèm theo thêm đứa trẻ choai choai, tóc còn để chỏm. Họ mặc bộ quần áo nâu vá, chân đi đất, đầu đội chiếc nón mê lơ xơ lác xác. Thế nào cũng có người đeo kính đen vì tội nghiệp cho họ, đôi mắt đã không còn không biết từ bao giờ. Không có nghề ngỗng gì, họ đành làm người hát rong, đi khắp chợ cùng quê để bán tiếng hát làm kế sinh nhai qua ngày. Đám xẩm thường cặp thêm manh chiếu rách, tiện đâu rải chiếu ra đấy, biến nền đất chợ, gốc cây, lòng quán chợ thành sân khấu biểu diễn một cách thoải mái vô tư. Khán giả không có ghế ngồi, cứ đứng vòng tròn chung quanh. Nghe hát một lúc, ai thưởng đồng tiền nào thì thả vào chiếc chậu thau đồng trước mặt người hát, mà có khi tiền thưởng không phải vì nghe hát hay mà vì lòng thương cảm với nỗi cô đơn, khó nghèo và hoàn cảnh đáng thương của người hát.



Đã hình thành một số làn điệu của riêng hát xẩm, nhiều người nghe đã thuộc lòng, nhưng có xẩm là còn nghe, còn thích.

Đó là điệu xa mạc, trống quân, xẩm huê tình, gánh nước đêm, cò lả, anh khoá, kể thập ân, phần lớn là ca dao hoặc những bài thơ lục bát khuyết danh được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trừ bài Anh khoá, Gánh nước đêm của cụ á Nam Trần Tuấn Khải, bài Chiêu hồn nước của nhà yêu nước Phạm Tất Đắc có tên tác giả sáng tác, những người hát và ca người nghe cũng ít khi nhắc đến tác giả. Bởi đây là loại hình ca nhạc, nghệ thuật dân gian, trừ người hát xẩm quá nghèo, phải độ nhận bằng cái cổ họng khốn khổ của mình, thì không có ai có mục đích về danh vọng hay kinh tế nào cả. Nói như câu kết truyện Kiều của Nguyễn Du: “Mua vui cũng đựơc một vài trống canh”.

Hà Nội một thời có đường xe điện đi qua thành phố. Đó là phương tiện giao thông thuận tiện, hầu như dành cho người nghèo là chính, bà bán bánh cuốn, cô hàng cốm, chị hàng rau, anh giáo hồ lơ, cậu học sinh nghèo... họ đi tàu điện chỉ mất năm xu (giá bằng nửa quả chuối) lại được nghe hát xẩm, tiếng hát nỉ non kèm theo tiếng đàn nhị, dù chỉ là cò cử dăm ba nốt nhạc, cũng đủ cho lời ca thành khúc hoà tấu đi vào lòng người man mác nỗi buồn thấm thía giữa lòng Hà Nội phồn hoa.

Hát xẩm không như hát xoan hát ghẹo, hát chèo tầu, cũng khác xa đêm diễn chèo, tuồng hay cải lương trong các rạp Hiệp Thành, Tố Như, lại vô cùng khác hẳn hát ca trù nơi phố Khâm Thiên hay nhà quan cách. Hát xẩm là ca nhạc ngay giữa lòng thành phố, người hát là nhạc sĩ, ca sĩ vô danh hát cho người nghe cũng vô danh giữa đất và trời lồng lộng, vì vậy mà hát xẩm trên các phố ngay giữa lòng tàu tiện, bao giờ cũng khá đông người nghe, có người lấy khăn tay chấm nước mắt khi nghe bài kể Thập ân nói về công cha nghĩa mẹ nuôi con, hoặc bài Chiêu hồn nước kín đáo thúc giục khơi dậy lòng yêu nước trong cảnh tổ quốc bị làm nô lệ, con người chịu cảnh lầm than.

Bẵng đi từ năm 1950, không còn ai nghe thấy một đám hát xẩm nào, dù là xẩm chợ hay xẩm tàu điện giữa lòng Hà Nội.

Cũng từ lâu nay, ít ai còn được nghe văng vẳng trên cánh đồng bao la với trà lúa thời con gái xanh tươi màu cốm điệu hát ví:

Hỡi anh đi đường cái quan

Dừng chân đứng lại em than đôi lời

Đó là giọng kim của cô Mơ cô Mận, cô Đào nào đó. Hoặc ít ai còn được nghe giọng cò lả, ru em trong quê trưa đêm vắng, tiếng dây đàn “thùng thì thùng” một điệu hát trống quân với câu hát thậm vô lý nhưng mọi người vẫn hào hứng chấp nhận:

Tháng tám anh đi chơi xuân

Đồn đây có hội trống quân anh vào

hoặc:

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân...

để rồi:

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay...

Thật vui mừng, khi gần đây, Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam có sự quan tâm hướng dẫn của giáo sư Minh Khang cùng nhạc sĩ Thao Giang đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, ghi âm, tập hợp, sàng lọc bộ môn hát xẩm, từ xẩm chợ đến xẩm tàu điện Hà Nội thành lập một nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia hát xẩm, trong đó có nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch, nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan cùng các nghệ sĩ khác như Quang Long, Minh Ty, Thuý Ngần và nhiều nghệ sĩ khác, ngoài hoạt động ca nhạc chuyên nghiệp ở một số đoàn nghệ thuật, họ đã cùng nhau tổ chức một chiếu xẩm ngay trong chợ đêm Hà Nội vào mỗi tối thứ bẩy hàng tuần.


Người Hà Nội lại được nghe tiếng ca giọng hát đã tắt đi khoảng 50 năm nay, những xẩm huệ tình, xẩm chợ, anh khóa, cả trăng sáng vườn chè và lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, và cảnh Hà Nội cảnh chợ Đồng xuân... với lời ca dao dân gian nôm na dễ hiểu.

Những nghệ sĩ chuyên nghiệp này mắt ai cũng sáng, họ vẫn phải đeo thêm cái kính đen cho khuôn mặt người hát xẩm thời xưa tái hiện. Bộ quần áo nâu, chiếc nón đội đầu, họ thành người hát xẩm thực thụ, cảm như có ai sắp thưởng đồng xu vào chiếc chậu thau đồng, cái nón mê để ngửa. Nhưng thực ra họ là người nghệ sĩ, không phải khốn khổ, ăn đong, có người ở nhà cao cửa rộng, có máy điều hòa nhiệt độ, xe máy đời mới, ngày thường gặp họ đều thấy họ ăm mặc đúng mốt thời trang sang trọng. Họ đi hát xẩm vì lòng yêu ca hát, vì vốn quí của dân tộc đang có chiều hướng phai mờ nhoà xoá, họ muốn phục hồi để tri ân non nứơc và đồng bào mình.

Nhớ lại dăm năm trước đây, Đài Truyền hình Việt Nam có tổ chức một buổi giới thiệu nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, Nam Định hát một điệu xẩm chợ trên sông, do nghệ sĩ nhạc sĩ Trần Đức chủ trì biên tập. Tiếc là nó còn ít tiếng vang và không được tiếp nối thường xuyên nên cũng bị rơi vào quên lãng, ít người biết tới. Nghe nói hiện nay, đoàn hát xẩm Hà Nội có ý định tổ chức một buổi hát xẩm để quyên góp tặng nghệ sĩ nhân Hà Thị Cầu đang ốm nặng ở quê nhà Nam Định. Nghĩa cử đó thật đẹp, và tấm lòng những nghệ sĩ yêu nền ca nhạc dân tộc của mình càng thêm đáng quí, đáng yêu.

Người Hà Nội đi chơi chợ đêm dọc phố Hàng Đào lên chợ Đồng xuân, mỗi đêm thứ bẩy, đều có thể dừng chân giây lát nghe lại lời hát dân dã mộc mạc nôm na mà trữ tình sâu lắng, đầy hoài niệm.