Chúng tôi đặt chân đến Làng cổ Đường Lâm thuộc Thị xã Sơn Tây (Hà Tây) đúng vào ngày khai hội- mùng 9 tháng giêng âm lịch (tức 15-2). Theo người dân nơi đây thì một năm Làng có 3 ngày hội: Mùng 4, mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng.
Đường Lâm có lịch sử cư trú khoảng 3 đến 4000 năm, với vẻ đẹp tiềm ẩn từ kiến trúc đá ong cổ. Người dân quanh vùng quen gọi làng là “Làng Việt cổ đá ong” cũng bởi đặc trưng này. Khung cảnh của làng mang đặm chất của nhân dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ như cổng làng, cây đa cổ thụ, bến nước, sân đình. Đặc biệt hơn cả là những ngôi nhà cổ với vòm cổng, tường, bờ rào bằng đá ong. Nhân dân trong và ngoài nước biết đến Làng Đường Lâm ngoài là một ngôi làng cổ thì đây còn là đất 2 vua, đó là Phùng Hưng (761-802), nhân dân tôn vinh ông là Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền (808-944) nổi tiếng bởi sự thông minh, tài trí hơn người qua trận đánh trên sông Bạch Đằng.
Một nhân vật lỗi lạc nữa đã để lại mốc son chói lọi cho trang sử nước nhà là Thám Hoa Giang Văn Minh- một nhà ngoại giao văn tài thao lược xuất sắc cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Đường Lâm không chỉ là mảnh đất địa linh nhân kiệt mà tên tuổi của họ gắn với những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, Đường Lâm còn là địa chỉ văn hoá mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì làng Mông Phụ (thuộc xã Đường Lâm) là đại diện duy nhất về lúa nước Châu Á còn xót lại. Đây là làng cổ Việt đá ong được xây dựng với quy mô rộng lớn, nghệ thuật kiến trúc tinh xảo. Tiêu biểu nhất là đình làng Mông Phụ. Ngôi đình mang đậm dấu ấn lối kiến trúc Việt- Mường. Đình có sàn gỗ, trước cổng đình có sân rộng là nơi dân làng biểu diễn các trò khi làng vào đám hội.
Nét đặc sắc nữa của kiến trúc nơi đây là sân đình được làm thấp hơn so với mặt bằng xung quanh-đây là nghịch lý so với kiến trúc hiện đại. Nhưng theo người dân nơi đây thì lại là dụng ý của các bậc tiền bối, bởi theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”. Vào những ngày mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân rồi mới chảy thoát ra đường cống được hiểu là “tụ thuỷ sinh tài”, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no. Mặc dù trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tốc độ phát triển của đô thị nhanh chóng, nhưng người dân nơi đây vẫn quyết tâm giữ gìn, bảo tồn cơ nghiệp của tổ tiên để lại.
Hiện Đường Lâm có khoảng 140 ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, được làm bằng chất liệu đá ong kết hợp hài hoà với gỗ theo lối kiến trúc cổ độc đáo. Được biết đã có 40 ngôi nhà được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là nhà cổ, trong đó có 7 ngôi nhà được Bộ Văn hoá-Thông tin công nhận là nhà cổ cấp quốc gia. Hiện nay, một số ngôi nhà cổ gánh trên mình sức nặng của vài trăm tuổi đang bị thời gian tàn phá. UBND tỉnh Hà Tây đã xây dựng dự án đầu tư tôn tạo và bảo tồn làng cổ Đường Lâm. Theo kế hoạch từ năm 2006-2020 đầu tư 200 tỷ đồng để tôn tạo.
Đến Đường Lâm vào thăm làng Việt cổ đá ong, một mình thả bộ trong từng ngõ nhỏ bạn sẽ linh cảm thấy nhiều điều kỳ diệu tiềm ẩn dưới lớp đá ong có hàng trăm năm tuổi. Ra khỏi cổng làng nơi có cây đa cổ thụ, bến nước là cánh đồng mênh mông trải dài thảm xanh của cây lúa non trông thật tuyệt đẹp. Nếu chưa một lần đặt chân đến Đường Lâm, chắc chắn bạn sẽ không hiểu hết truyền thống không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc- dấu ấn của một nền văn minh lúa nước Việt Nam.