Mở đầu ngày hội, du khách sẽ được hòa vào không khí thiêng liêng, đầy sắc màu của đám rước kiệu từ Nội Duệ đến lễ tế ở lăng Hồng Vân và chùa Hồng Ân trên đồi Lim. Sau phần thiêng của hội, khách sẽ không phải chờ lâu để được thưởng thức những làn điệu quan họ và tham gia những trò chơi dân gian đầy hào hứng.
Nét đặc sắc nhất của hội Lim chính là hát quan họ. Những làn điệu quan họ được truyền giữ từ bao đời, qua bao kỳ hội vẫn cứ làm say lòng người bởi vẻ mặn nồng, nghĩa tình, e ấp từ lời từ điệu và càng đằm thắm hơn qua chất giọng đặc trưng của liền anh, liền chị xứ này.
Quan họ được hát ở nhiều nơi, theo nhiều hình thức. Khách có thể được nghe hát đối đáp từng cặp đôi hoặc từng “bọn”; hát trong nhà, trong những lán trại mộc mạc được dựng trên đồi Lim từ trước hội; hay hát ngoài trời, trên nền cỏ xanh khoáng đãng của đồi Lim; hát sau chùa hay hát trên thuyền, bồng bềnh trên những ao, hồ vốn là dấu tích xưa của dòng Tiêu Tương đã một thời vang vọng tiếng hát của chàng Trương Chi làm say đắm lòng nàng Mỵ Nương xinh đẹp.
Vừa hát, người quan họ vừa mời nhau và mời khách những miếng trầu têm hình cánh phượng để thắt chặt tình thương mến. Và trong không khí trữ tình đó, thi thoảng lại vẳng vọng những tiếng cười hồn nhiên, vui tươi từ những khu trò chơi dân gian đánh đu, chọi gà, chọi chim, đấu vật...từ các làng.
Hội Lim bằng đặc sắc của lời ca tiếng hát quan họ sẽ để lại niềm vấn vương trong lòng mỗi du khách như lời giã bạn của người quan họ “Người ơi người ở đừng về”...