Dân tộc Khơ me

14:19, 16/09/2008

Hiện nay, dân tộc Khơ me có chừng 1.100.000 người, cư trú chủ yếu tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Người Khơ me còn có các tên gọi khác là: Cur, Cul, Thổ, Mên, Krôm...Nghề sống chính của người Khơ me là trồng trọt, lúa là loài cây lương thực chính; hoa màu được trồng trên cạn, gồm các loại ngô, khoai, đậu. Có nơi bà con chuyên trồng xoài. Đánh bắt hải sản là nghề phụ quan trọng của đa số cư dân trên đất liền. Các ngành nghề thủ công chủ yếu là đan mây tre, nghề dệt, gốm sứ, mộc, nề; đáng chú ý là nghề chế biến đường từ cây thốt nốt. Tiếng nói của người Khơ me thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me. Người Khơ me có chữ viết riêng, đây là dạng chữ Paly có nguồn gốc từ chữ ấn Độ cổ, được dùng chủ yếu trong sinh hoạt tín ngưỡng hoặc các hoạt động tôn giáo. Trong một số trường học có dạy xen chữ Khơ me với chữ phổ thông ở bậc tiểu học, nhưng gặp ít nhiều khó khăn vì sự khác nhau căn bản giữa hai loại chữ này.

Đồng bào Khơ me có một kho tàng văn học dân gian khá phong phú. Nghệ thuật dân gian Khơ me tập trung trang điểm cho những ngôi chùa với lối kiến trúc cầu kỳ và đẹp mắt. Tranh dân gian Khơ me màu sắc rực rỡ và thường liên quan đến Phật thoại, các truyện cổ tích về Bà -la - môn hay các tích được lấy trong trường ca Riên Kêr. Nghệ thuật múa cũng tương đối phát triển. Hôn nhân của người Khơ me theo chế độ một vợ một chồng bền vững, cư trú bên nhà chồng. Hình thức gia đình phổ biến là gia đình tiểu phụ quyền, con trai và con gái đều có quyền thừa kế tài sản như nhau. Con trai thường được giao cho nhà chùa để bồi dưỡng về tư tưởng Phật giáo.

 

Đạo Phật phái Tiểu thừa là tôn giáo chính thống của người Khơ me, được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Khơ me. Chùa của người Khơ me được xây dựng trong các phum, là nơi thờ Phật, nơi tu hành của thanh niên. Theo truyền thống, trước tuổi trưởng thành phần đông thanh niên đều phải trải qua một khoá tu hành ngắn hạn. Ngoài ra, chùa còn là nơi cất giữ hài cốt của các phật tử, nơi dân họp bàn những việc công ích, nơi đón tiếp khách quý của phum. Tại một số địa phương, chùa còn đảm nhiệm vai trò như một thư viện lưu giữ những pho sách cổ. Có người từng ví ngôi chùa là một “bảo tàng” thu nhỏ của người Khơ me.