Những giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, địa chất học của khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành sau 5 năm nghiên cứu, so sánh” (diễn ra trong 2 ngày 24 – 25/11 tại Hà Nội). Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành cũng đã được các nhà nghiên cứu đưa ra thảo luận.
Hiện nay, Hồ sơ đề cử Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, trong đó xác định di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là một bộ phận quan trọng, đã được gửi đến Trung tâm Di sản văn hóa thế giới, có trụ sở tại Paris vào ngày 29/9/2008. Hồ sơ đề cử di sản văn hóa thế giới đã được các chuyên gia của UNESCO xem xét và góp ý, phía Việt Nam đã và đang chỉnh sửa và sẽ gửi bản thảo hòan chỉnh tới UNESCO trước ngày 1/2/2009; Ủy ban Di sản thế giới sẽ xem xét vào tháng 7/2010. Khi hồ sơ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đang được UNESCO xem xét để công nhận Di sản văn hóa thế giới thì hơn lúc nào hết, việc bảo tồn, quy hoạch và phát huy giá trị khu di tích mang tầm vóc quốc gia và quốc tế này là vấn đề cấp bách.
Các nhà khoa học đang tìm các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long
Từ vài năm nay, giới nghiên cứu đã tiến hành lắp đặt hệ thống mái che cho khu di tích khảo cổ học 18 Hòang Diệu (khu Hoàng thành) nhưng xét về cơ bản, giải pháp ấy không mang tính căn bản, đầy đủ, chỉ được coi là giải pháp tình thế. Bởi vậy, như nhận xét của Tiến sỹ Kazuto Inoue (Nhật Bản) tại hội thảo thì từ năm 2003 đến năm 2008, tình trạng xuống cấp của khu di tích là điều được giới khoa học trong và ngoài nước thấy rõ.
Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu ý kiến: “Đối với một phế tích kiến trúc mang tính khảo cổ có quy mô quá lớn như Hoàng thành Thăng Long, chắc chắn sẽ phải xây dựng nhà mái che có khẩu độ lớn nhằm bảo tồn di sản ngay tại thực địa làm bảo tàng ngoài trời. Đây là biện pháp khá phổ biến đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Nhưng chúng ta không thể và không nên xây dựng nhà bao che cho toàn bộ khu di tích, mà chỉ lựa chọn những hạng mục tiêu biểu nhất, đáp ứng tiêu chí nguyên gốc.
Phần còn lại sẽ áp dụng các giải pháp đa dạng và linh hoạt hơn như: quay phim, chụp ảnh, đo vẽ kỹ thuật làm tư liệu phục vụ nghiên cứu lâu dài, lấp cát để lưu giữ trong lòng đất, phía trên tiến hành phục dựng nhằm giới thiệu hình dáng kiến trúc, làm đông cứng rồi di chuyển về các bảo tàng để trưng bày hoặc xâu dựng phòng trưng bày ngay tại di tích”.
Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở pháp lý và định hướng xây dựng dự án tổng thể bảo tồn khu di tích này. Ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ nhất trí với phương án bảo tồn lâu dài Hoàng thành Thăng Long - 1 trong 3 phương mà Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã đề xuất.
Theo ông Đặng Văn Bài, Bộ VH,TT&DL đã đề xuất dự án tổng thể bảo tồn với 3 cấp độ: Tạo dựng không gian của một công viên lịch sử - văn hóa như một phận hữu cơ trong chỉnh thể kiến trúc của Trung tâm chính trị - văn hóa Ba Đình; gắn kết di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với Thành cổ Hà Nội thành một di tích hoàn chỉnh - là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội như tên gọi trong hồ sơ đề cử Di sản văn hóa thế giới; Thiết lập sự liên thông về không gian và sự hài hòa về kiến trúc giữa di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với trụ sở Quốc hội trong tương lai.
Nói về việc quy hoạch di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phương án xây dựng bảo tàng tại chỗ, đại diện Viện Khảo cổ học và Viễn đông Bác Cổ (EFEO), ông Olivier Tessier khẳng định: “Trong điều kiện khí hậu của Việt Nam và đặc biệt là khu di tích ở gần lớp nước giếng, nằm ngang với lớp cuối cùng được phát lộ, hiện không cho phép khẳng định tính khả thi của một dự án như vậy. Về nguyên tắc, cần có sự tư vấn từ một văn phòng nghiên cứu chuyên ngành trước khi đưa ra quyết định”.
Theo ông Olivier, bảo tàng nhỏ tại khu hố D4 – D5 – D6 có thể là bảo tàng “khép kín” cho phép bảo vệ và trưng bày các bộ sưu tập quý giá nhất. Còn với ý tưởng về bảo tàng lớn nằm tại khu khai quật A và B, sẽ rất khó để xây dựng một tòa nhà hoàn toàn khép kín trên diện tích 1,3 ha và luôn duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định; vì thế, phương án đưa ra có thể là một tòa nhà “mở”, hay “nửa kín nửa hở”, có hệ thống thông gió tự nhiên và nhân tạo.
Tuy nhiên, dù Olivier đã đề xuất 5 giai đoạn thực hiện phương án này nhưng ông cũng phải thừa nhận: “Những hiểu biết hiện nay còn chưa đủ để có thể đưa ra mô tả chi tiết về Hoàng thành Thăng Long mà một khách tham quan có thể mong đợi được nhìn thấy. Vì thế, tạm thời có thể sẽ có ích nếu như phát triển một chương trình tái tạo bằng kỹ thuật 3D phục vụ cho các mục đích khoa học”. Ông Olivier cũng cho biết, EFEO sẵn sàng huy động các chuyên gia của mình cho công tác bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành đã được đưa bàn bạc kỹ trong hội thảo quốc tế lần này, nhất là khi du tích đang hướng tới mục tiêu trở thành Di sản văn hóa thế giới. Việt Nam chưa có nhiều phương án bảo tồn, tôn tạo một di tích khảo cổ quy mô lớn như Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, nhất là trong điều kiện khu di tích này nằm ngay vị trí trung tâm của khu trung tâm chính trị - văn hóa quan trọng của Thủ đô và cả nước, nơi mà các công trình kiến trúc có mật độ dày.
Vì thế, như nhận định của ông Đặng Văn Bài, cục trưởng Cục di sản văn hóa, “chúng ta phải thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành và hơp tác quốc tế để xây dựng Dự án tổng thể tương đối hợp lý nhằm bảo tồn khu di sản”.