Làng Diêm Trường ngày nay có hai thôn Diêm Trường trên và Diêm Trường dưới, phía đông giáp Cù Mông, phía tây và phía bắc giáp thôn Mỹ Phụng, phía nam giáp thôn Gò Ốc, có diện tích khoảng 2 km2 với dân số trên 1.000 người.
Vào cuối thế kỉ XVIII Nguyễn Ánh chọn nơi đây làm địa điểm cất giữ muối để cung cấp cho quân lính của ông ta trong cuộc chiến với Tây Sơn (dân ở đây còn gọi là “Kho muối”). Có lẽ từ đó nhà Nguyễn đặt tên nơi đây là làng Diêm Trường (theo từ Hán Việt diêm có nghĩa là muối, trường có nghĩa là bãi đất, khoảng đất, khu đất rộng được dùng vào mục đích nào đó)
Diêm Trường là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, địa hình có đất bằng, núi, đầm; nằm dọc theo bờ tây đầm Cù Mông, khí hậu mát mẻ, có nguồn nước ngọt dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp nhiệt đới; là nơi thủy sản phong phú đa dạng, có nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho dân sinh. Từ đầm Cù Mông dân Diêm Trường theo đường biển giao thương với các vùng miền. Đây là những điều kiện cơ bản và phù hợp cho việc định cư sinh sống và sản xuất lâu dài trên một vùng đất.
Diêm Trường từng là vùng đất định cư sinh sống ổn định lâu dài của cư dân có nền văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ, với các di chỉ còn lại ở Cồn Đình, Gò Ốc, Giồng Đồn, Bến đò dưới (Địa chí Phú Yên, NXB Chính trị quốc gia, năm 2002, các tr. 150, 151, 695, 696, 697). Trước thế kỉ 17 người Champa từng định cư ở đây. Lịch sử Phú Yên thế kỉ 17-18, công trình nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Quốc Lộc chủ biên. Di tích còn lại của một vài ngôi đình, một số mộ cổ, những vườn cau, những hồ nước kè đá trong vườn còn sót lại tại một số vườn nhà cổ ở Diêm Trường các câu chuyện kể, một số tàn dư còn lại của các sinh hoạt văn hóa tinh thần minh chứng người Chăm đã sinh sống nhiều thế hệ tại làng này. Các vườn cau có từ lâu đời, có thể người Việt đã thừa kế những vừon cũ của người Chăm, cũng có thể học tập người Chăm lập vườn, kể cả học tập việc làm và dùng ghe bầu đi biển khi đến đây chung sống cùng người Chăm.
Qua khảo sát điền dã, hiện nay làng này không có dòng họ nào có gia phả hoặc phả húy truyền lại. Theo ông Trần Nhật Nhuận, 81 tuổi, nguyên Trưởng thôn Diêm Trường, là bậc trưởng lão của một trong hai họ lớn nhất hiện nay của thôn, cho biết ông thuộc thế hệ thứ 6 của dòng họ Trần khi từ Quảng Nam thừa tuyên vào định cư tại làng này. Uớc tính thủy tổ họ Trần của ông Nhuận đến vùng này cách đây 200 – 250 năm; ngôi nhà mà ông Nhuận đang ở đã tạo lập cách đây trên 150 năm. Một người khác là ông Trần Ngọc Tân, 77 tuổi, cũng cho biết ông cao của ông là Trần Văn Đôn tính đến nay đã hơn 200 tuổi và còn nhiều thế hệ trước nữa nhưng do không có ghi chép lại nên ông không rõ, hiện những ngôi mộ từ đời cha đến ông cao của ông vẫn còn tồn tại và được chăm sóc.
Như vậy, chắc chắn làng Diêm Trường đã có người Việt đến định cư sinh sống trước thời Gia Long và cũng có thể kể từ khi Lương Văn Chánh chiêu mộ lưu dân vào khẩn hoang lập làng ở khu vực Cù Mông, Bà Đài vào cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI.
Trước tháng 8/ 1945, cư dân làng Diêm Trường sống chủ yếu bởi nghề lập vườn trồng cau, làm các sản phẩm thủ công như gàu tre, cà tăng, đóng ghe bầu. Nguồn cau, trầu được thương lái ghe bầu đưa đi các tỉnh trao đổi mua bán. Tên các lái bầu (ghe bầu) như bầu Ngữ, bầu Hàn, bầu Lòn,…còn lưu truyền trong dân.
Việc lập vườn trồng cau đã hình thành thêm nghề xiết cau. Trái cau được xiết ra (thái ra) làm 6 mảnh bằng nhau đem phơi khô hoặc héo (không còn tươi) để miếng cau ăn vừa thơm vừa ngon. Cau khô không được vận chuyển đến các vùng để bán.
Từ thời Gia Long việc lập vườn trồng cau, trầu là nghề chủ lực, là nguồn thu nhập kinh tế chính của người dân Diêm Trường. Tiền tích lũy được từ nguồn cau trầu được dùng để mua ruộng, đất ở các làng khác. Từ đó có nhiều gia đình trở thành địa chủ của vùng.
Cùng với lập vườn trồng cau, trầu, ở đây còn phát triển nghề đi buôn bằng ghe bầu. Có thể nói nghề buôn ghe bầu là dấu ấn của một thời tích cực mở cửa giao thương với bên ngoài, góp phần đáng kể làm nên sự phồn thịnh của Diêm Trường. Theo các cụ ở Diêm Trường kể lại, đầu thế kỷ XX ở đây có hàng chục ghe bầu với trọng tải từ 30-50 tấn/chiếc. Ghe bầu là phương tiện vận tải chủ yếu tạo nên mạng lưới mậu dịch đến các vùng trong nước.
Kỹ thuật đóng ghe bầu được thực hiện bởi các trại, xưởng, hiệp thợ đóng ghe thuyền của địa phương. Các hiệp thợ đóng ghe của Diêm Trường nổi tiếng về tay nghề. Lao động trên ghe bầu thường là 6-7 người, gồm có lái ghe, lái phụ , tổng thương, tổng khậu và bạn ngang.
Hằng năm cứ vào độ rằm tháng Giêng âm lịch, các chủ ghe bầu gom hàng ở địa phương rồi xuất bến. Nếu đi ra cánh bắc như Huế, Cửa Việt, Cửa Tùng (Quảng Trị) thì ghe mang các loại hàng: cau, trầu, muối, đá mài và thường đi xuôi theo những đợt gió nồm thổi mạnh. Còn nếu đi vào cánh nam thì hàng chủ yếu là gàu tre, cà tăng (cây mò o chẻ, vót thành những thanh nhỏ khoảng 1cm và mỏng, sau đó đan chúng thành những mảnh gọi là mảnh cà tăng),… nếu vào tới Gò Công (Tiền Giang) thì trên đường về hàng chủ yếu là gạo.
Sản xuất và trao đổi mua bán bằng đường biển làm cho đời sống cư dân ở đây sung túc và phát triển. Sự phồn vinh ở Diêm Trường minh chứng bởi di tích nhiều mộ cổ xây đá hàng trăm năm tuổi còn tồn tại đến ngày hôm nay. Diêm Trường là vùng đất cát, không có mỏ đá, cư dân phải dùng ghe bầu chở đá từ Gò Cà về xây mộ. Các ngôi mộ cổ xây bằng tổ hợp đá, vôi, mật với kiến trúc phức tạp, nhiều lớp, có hoa văn phong phú. Phải giàu có, khá giả mới xây được các ngôi mộ như thế.
Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân Phú Yên phải lo tổ chức chống các cuộc đổ bộ lấn chiếm của giặc Pháp, đồng thời phải kiên cường bảo vệ vùng tự do cho đến khi ký Hiệp định Geneva (1954). Việc buôn bán bằng đường ghe bầu của các bầu lái Diêm Trường phải dừng lại do bị giặc Pháp phong tỏa đường biển. Cau trầu không có nơi tiêu thụ, nhiều vườn cau được chuyển thành các vườn dừa, vườn trồng cây lương thực ngắn ngày như rau các loại, các cây củ, quả. Nghề đan gàu tre, cà tăng cũng dần mất đi. Nhiều hộ gia đình chuyển sang nuôi heo, gà, vịt, bò…để cung cấp tại chỗ và trao đổi qua lại trong địa phương. Việc lập vườn trồng cây dừa đã hình thành một số nghề tiểu thủ công mới, cho ra các sản phẩm từ cây dừa như dầu dừa, sợi dây dừa được làm từ vỏ ngoài trái dừa. Những sản phẩm này được bán rộng rãi trong vùng tự do Liên khu 5.
Cuối thế kỉ XX những năm đầu thế kỉ XXI, người dân Diêm Trường bắt đầu phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi trồng tôm sú. Đây là thế mạnh của vùng đất này mà từ lâu chưa được khai thác. Tuy nhiên, do việc nuôi trồng còn nặng tính tự phát, chưa được quy hoạch, việc áp dụng khoa học kĩ thuật trong nuôi trồng còn nhiều hạn chế nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Nhiều hồ nuôi bị thiệt hại nặng, nhiều hộ nuôi thủy sản gặp khó khăn. Các cấp, các ngành hiện đang tìm hướng ra cho dân Diêm Trường.