Món xêu ở Cổ Loa thành

10:15, 15/12/2008

Sau Tết Nguyên đán, người  dân Kinh Bắc và các vùng lân cận lại cùng nhau tụ hội về đất cố đô bên sông Hoàng, sông Thiếp để tham gia Hội Cổ Loa mùng 6 tháng Giêng.

Trong không khí vui đón xuân rất tưng bừng ấy người ta cùng nhau chế biến các món ăn dân tộc truyền thống. Một món không thể không nhắc tới đó là món "xêu" nay gọi là bún xào cần - một món ăn dung dị, đạm bạc, gắn liền với tình sử Trọng Thủy - Mỵ Châu.

 

Tục truyền, khi Triệu Đà ngỏ ý ướm hỏi Mỵ Châu cho Trọng Thủy, An Dương Vương đã nhận lời để giữ mối hòa hiếu giữa hai bên và hẹn ngày lành tháng tốt sẽ làm lễ dạm hỏi (ngày 13-8 âm lịch). Để tỏ lòng mến khách, vua ra lệnh cho đầu bếp chuẩn bị yến tiệc linh đình, với những món ăn ngon của Âu Lạc. Riêng món bánh bột lọc nhân đậu xanh đường phèn phải xay bột muộn vì sợ để lâu bánh bị chua nồng. Gà gáy canh hai, những người lính vẫn hối hả xay bột để kịp làm xong món bánh đặc sản trước khi trời sáng. Có một anh lính vì quá mệt nhọc và buồn ngủ đã sơ ý đổ bột vào một chiếc rổ xảo đang ngâm trong vạc nước sôi. Khi nhận ra lầm lỡ của mình anh vội nhắc rổ xảo lên, thì bột lọc đã kết thành nhiều sợi dài qua mắt xảo. Đổ thì tiếc, để lại sợ quan đầu bếp phạt, anh ta vội vàng giấu đi, nhưng không qua được con mắt tinh tường của người đầu bếp. Một phần vì thương tình anh lính đã mệt, một phần vì tiếc của, ông sai anh lính nọ xuống vặt một nắm rau cần bên bờ giếng Ngọc, ông nghĩ rau cần có mùi vị thơm đặc biệt và vào mùa đó cũng không thể có rau nào khác mang vị thơm thoảng mát quanh giếng Ngọc ngoài rau cần.

 

Sau đó, sẵn ít tóp mỡ còn thừa, ông cho rau vào đảo với những sợi bột đã chín đó làm thành món ăn lót dạ cho anh em qua đêm. Đúng lúc ấy, một vị cận thần của nhà vua xuống kiểm tra công việc, thấy món xào có mùi thơm quyến rũ, ông liền hỏi quan đầu bếp: "Món vì vậy?". Quan đầu bếp lúng túng trả lời: "Món... xêu ạ!". Thực chất ông ta định nói đó là món "xào" nhưng vì vội vàng và lo sợ nên gọi chệch thành "xêu". Vị cận thần do cũng thức đêm bụng đã đói, lại nghe tên món ăn lạ liền ngỏ ý nếm thử, ông thấy món "xêu" rất ngon.

 

Quan cận thần liền tâu với vua về một món ăn mới tuyệt ngon - món xêu. Vua tò mò cũng đòi nếm thử, quả là ngon và dễ ăn, lạ miệng, vua bèn ra lệnh làm món "xêu" đãi khách. Hôm sau trong đại tiệc, món xêu đã trở thành một bất ngờ lớn đối với các vị quan khách, bởi hương vị của nó không giống hương vị của bất cứ món ăn nào, lại đậm đà và dân dã. Từ đó món xêu trở thành đặc sản của Cổ Loa. Sau này lan truyền ra khắp các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nó cũng gắn liền với ý nghĩa của ngày dạm hỏi Mỵ Châu. Và dân làng Cổ Loa từ đấy cứ đến ngày 13-8 hàng năm hoặc dịp Tết Nguyên đán lại làm món bún xào cần, món ăn truyền thống. Dần dà người ta gọi ngày 13-8 là ngày "xêu bà chúa".

 

 Ngày nay ở làng Mạch Tràng, bên giếng Ngọc xưa chính là nơi sáng tạo ra công nghệ làm bún, người ta không những giữ gìn nó mà còn phát triển công nghệ làm bún gạo xay. Gạo ngâm ủ với một kỹ xảo đặc biệt rồi đem vào xay trong cối đá. Vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Tết đến dứt khoát nhà nào cũng phải có một đĩa bún cúng gia tiên và nia bún để ăn trong 3 ngày Tết. Một số người có tay nghề khá, con bún khi vớt trong nồi ra lấy tay vắt ngang cái nia đường kính từ 1,5-2m, nhìn mà thích, những con bún như vậy ai được thưởng thức thì chỉ cảm thấy ngon tuyệt, "chưa đặt đến môi đã trôi xuống cổ". Bún  như vậy nên người ta không muốn đem xào cần vì tiếc khi xào phải cắt nhỏ nên sau đó người ta nghĩ ra làm loại bún rối. Bún rối tức là mỗi lần vắt bún vào nồi nước sôi không cần dài hơi mà vắt thành nhiều lần sao cho hết bột trong khuôn bún là được, khi vớt bún trong nồi ra, con bún cuộn tròn rất dễ cho việc vận chuyển và xào cần. Tuy nhiên Hà Nội bây giờ còn rất ít người chế biến món bún xào cần.