Trong những ngày lễ, ngày tết, ngày hội, người Thái ở vùngTây Bắc thường tụ tập ở những nơi bãi rộng như sân trường, sân vận động, nhà văn hoá bản để sinh hoạt văn hoá văn nghệ. Sau khi ăn uống xong, tiếng trống, tiếng cồng, chiêng vang lên, bên ánh đèn điện, hay đống lửa hồng, từng tốp nam nữ bắt đầu tham gia múa xoè..
Điệu xoè, điệu xoè có từ bao giờ
Mà vẫn mê say như thuở nào
Cô gái Thái mặc gọn gàng trong bộ áo cóm mầu trắng, mầu xanh da trời hoặc mầu đỏ, với chiếc khăn Piêu đội đầu, tiếng nói dịu dàng, ý tứ đã để lại trong lòng du khách 4 phương nhiều cảm tình sâu sắc.
Em lung linh trong điệu xoè
Như cành ban trắng mùa xuân
Sau mấy vòng múa, các cô gái Thái chuyển sang điệu xoè " Khẳm khăn mời lẩu" dịch ra tiếng phổ thông là " Nâng khăn mời rượu" đây là phong tục không thể thiếu được trong hội múa xoè. Các cô gái người rót rượu, người cầm ly mời khách, rượu men nồng do chính bàn tay cô gái Thái làm ra.
Em nâng chén rượu mời
Rượu từ tay em cất
Men rượu từ lá rừng
Rượu nồng gạo Điện Biên
Giai điệu cuả bài hát, của điệu múa cộng với men rượu nồng đã làm ngây ngất lòng người. Chén rượu mời khéo léo khiến cho không người khách nào từ chối. Càng về khuya, điệu nhạc, bài hát càng vang xa, điệu xoè càng thấm đậm. Khách và chủ không muốn chia tay :
Rộn ràng trong tiếng hát
rao nhau giữa vòng xoè.
Rồi cuộc vui nào cũng phải chia tay, mọi người ra về vẫn giữ mãi âm hưởng của điệu xoè Tây Bắc.