Lụa Vạn Phúc

14:45, 08/11/2009

Nói đến Vạn Phúc là nói đến nghề dệt lụa tơ tằm. Phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) hôm nay nguyên là một xã nhất làng, nhất thôn nằm kề bên sông Nhuệ từ hàng ngàn năm trước đã nổi tiếng với nghề dệt lụa.

 

Tương truyền, khoảng cuối thế kỷ thứ 7, đầu thế kỷ thứ 8, một người con gái dòng dõi trâm anh tên là Lã Thị Nga đã đến và dạy nghề dệt may cho dân làng. Nhớ ơn bà, dân làng tôn bà là Tổ nghề và thờ bà làm thành hoàng làng Vạn Phúc...

 

Trước đây, người dân Vạn Phúc trực tiếp trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Về sau, nghề dệt phát triển mạnh, người Vạn Phúc thôi không trồng dâu, chăn tằm mà mua tơ từ các nơi về dệt.

 

Từ thời phong kiến, người dân làng lụa này đã biết dệt nhiều loại gấm vóc, lụa là, với hoa văn, đường nét cầu kỳ tinh xảo để may làm các loại triều phục, trang phục cho vua quan. Thời Pháp thuộc, lụa tơ tằm Vạn Phúc cùng với 3 nghệ nhân của làng cũng đã từng có mặt tại hội chợ Mác xây của nước Pháp.

 

Bên cạnh các mặt hàng đều từ tơ tằm dệt nên như lụa, là, the, xuyến, sa,… Vạn Phúc còn sản xuất được rất nhiều loại gấm với màu sắc, hoa văn phong phú như gấm tam thể, ngũ thể, gấm thất thể....

 

Lụa vân Vạn Phúc là một trong những sản phẩm cao cấp thể hiện tay nghề của những người thợ giỏi. Để dệt được lụa vân với những hoa văn như: vân tứ quý, vân song hạc, vân hồng điệp… người thợ dệt ở đây sử dụng kỹ thuật dệt thủng rất tinh vi để tạo nên tấm lụa mịn màng, mát rượi nhưng vẫn nổi vân óng ánh đến diệu kỳ.

 

Muốn dệt được tấm lụa hay gấm nhiều màu sắc, người thợ còn phải đem nhuộm sợi trước khi dệt và phải dệt nổi từ một khung cửi được thiết kế làm 2 tầng, còn gọi là khung hoa. Chiếc khung độc đáo này sẽ được 2 người điều khiển nhịp nhàng, chính xác để cho ra sản phẩm là tấm gấm sang trọng, có nhiều màu sắc biến đổi tùy theo góc nhìn.

 

Hoa văn trên tấm lụa Vạn Phúc thường được chia theo 4 nhóm chính là động vật, thực vật, đồ vật và hình họa. Trong đó, hình động vật như rồng, phượng, lân, rùa, hạc… thường được thể hiện dưới các dạng thức, tư thế rất độc đáo như: tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long song phượng… Đây chính là những mẫu hoa văn quý mà không phải người thợ nào cũng có thể dệt được.

 

Cả phường lụa Vạn Phúc với hơn 1.000 khung dệt lúc nào cũng hói hả không khí làm nghề. Mỗi năm  phường lụa đưa ra thị trường trên dưới 3 triệu mét vải lụa, gấm các loại và hàng vạn sản phẩm may sẵn từ tơ lụa như khăn, quần, áo, túi…

 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, để sản phẩm lụa Vạn Phúc luôn thu hút người tiêu dùng, đại đa số các hộ dân đã tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất, bố trí giờ dệt hợp lý để tiết kiệm điện, nhân công, nhằm hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, nhiều loại hoa văn, mẫu mã, màu sắc mới cũng được các hộ sản xuất tìm tòi, sáng tạo cho sản phẩm lụa của mình.

 

Hiện tại, loại lụa dệt thường (hoa hoặc trơn) ở Vạn Phúc có giá khá bình dân, từ 55.000 đồng/m trở lên. Các loại áo may sẵn từ lụa có giá từ 70.000 đồng-200.000 đồng/chiếc ( tùy theo loại lụa, hoa văn và là áo nam hay áo nữ).