Chè kho - món ăn dân giã của người thành Nam

10:36, 09/12/2009

Sinh ra, lớn lên ở Thái Nguyên nhưng tôi lại là người gốc Nam Định. Cha kể rằng từ những năm 60 cha đã cùng đoàn người dưới xuôi lên vùng Tân Cương lập nghiệp và coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai của mình. Mấy chục năm gắn bó với  đất Thái Nguyên, với vùng chè Tân Cương đặc sản nhưng cha không nguôi nhớ về mảnh đất đồng trắng nước trong dưới chân núi Ngăm, nơi có Hội Phủ Dày và phiến chợ Viềng nổi tiếng.

 

Hầu như năm nào vào dịp hội Phủ Dày (tháng Ba âm lịch) cha cũng cho chúng tôi về quê, trước là đi hội, sau là thắp hương tổ tiên và thưởng thức những món đặc sản quê nhà một thời cha gắn bó. Với Nam Định, có nhiều loại đặc sản; Bánh nhãn, bánh gai bà Thi, gạo thơm Hải Hậu, nhưng mỗi lần về quê ấn tượng trong tôi vẫn là món chè kho thơm ngon nổi tiếng.

 

Người dân quê tôi làm món chè kho rất khéo. Đó là thứ chè ăn ngọt, khô dẻo, nấu bằng đậu xanh, được bày trên đĩa dùng đãi khách trong những ngày lễ, tết, hay cúng rằm. Bây giờ món chè ấy đã trở nên phổ biến trên đất Bắc, ngay cả ở Thái Nguyên cũng có nhưng ăn ở đâu cũng không thể ngon bằng chè kho do chính bàn tay người dân gốc Nam Định làm ra.

 

Chè kho không cầu kỳ như chè cung đình Huế, không đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu như chè miền Nam. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, sẽ có những đĩa chè ngon.

 

Trong những người phụ nữ làm chè kho ở quê tôi có dịp gặp mỗi lần về chơi, cô út là người nấu chè khéo hơn cả. Cô út năm nay ngoài 40 tuổi nhưng cứ đến dịp lễ, tết cô lại nấu chè cho mọi nhà trong dòng họ Phạm Trần.  Muốn có nồi chè ngon phải cầu kỳ từ khâu chọn đỗ xanh, những hạt đỗ được lựa chọn kỹ càng, cẩn thận ấy, đem ngâm no nước rồi đãi sạch. Sau đó, rắc lên một chút muối, để ráo nước rồi đem rang trước khi xay thành bột mịn. Có bột rồi, lấy đường trắng hoặc đường phèn vào nước sôi để nguội đánh tan đường rồi trộn đều với bột và đem đun nhỏ lửa, từ đó khuấy liên tục và phải thật đều tay. Cô tôi bảo lúc nấu chè quan trọng nhất là công đoạn này bởi nó đòi hỏi sự công phu, tỷ mỷ, đầy chú tâm và sự khéo léo của người nấu. Chỉ cần chểnh mảng một chút là chè sẽ bị khê, hỏng cả nồi chè. Khi thấy tay khuấy nặng dần, bột từ loãng thành đặc phải đợi bột sôi thêm một lúc nữa và từ từ loãng ra thì đó là lúc món chè kho đã hoàn thành. Mỗi lần nhìn cô nấu chè, những đĩa chè kho vàng sáng mịn, thoang thoảng mùi thơm của đỗ mới thấy được cái tài tình cũng như công sức của người nấu.

 

Nấu xong, múc chè ra đĩa, để thật nguội, rắc một chút vừng rang rồi nén lại thật chặt. Một đĩa chè như thế có thể để đến 10 – 15 ngày, không cần đến khâu bảo quản nào mà ăn vẫn thơm ngon. Đó là cái độc đáo mà không vị chè nào có được, bởi trong chè đã có một lượng đường khá lớn so với những món ăn ngọt khác.

 

Cắt miếng chè kho bầy lên đĩa, ăn một miếng chè, nhấp một ngụm trà, cảm nhận cái dư vị thơm dẻo, ngọt ngào đan quyện trong vị thanh mát, mới thấy được cái tinh túy của đất trời giao hòa trong buổi đầu xuân và tấm chân tình của người chủ nhà mến khách. Ngần ấy dư vị cũng đủ làm khắc khoải trong ký ức của những người con xa quê như tôi mỗi dịp trở về.

 

Mùa lễ hội, trên đường vào Phủ Dầy bao giờ cũng nhiều hàng bày bán chè kho. Khách đến hội dù vội mấy cũng ghé vào các hàng bán chè, mua một chút về làm quà cho người thân, để cùng thưởng thức món ăn dân dã của người thành Nam mà không phải nơi nào cũng có được.