Muốn ăn rau sắng chùa Hương /Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa /Mình đi ta ở lại nhà/Cái dưa thì khú cái cà thì thâm…
Những câu thơ nổi tiếng ấy của thi sĩ Tản Đà khiến du khách mỗi lần đến chủa Huơng không thể không cất công tìm, thưởng thức rau sắng - đặc sản vùng đất Phật.
Cây rau sắng tên khoa học là Phyllanthus elegansl còn có tên gọi khác là cây mì chính, cây rau ngót rừng. Rau sắng thuộc loại thân mộc, mọc tự nhiên trên những vách đá, ưa ánh sáng. Rau sắng cùng họ với rau ngót, lá trông tựa như lá rau ngót, nhưng nhỏ và nhọn hơn. Lá non có màu xanh thẫm, óng; ả. Hoa rau sắng mọc thành bông trên thân, người dân gọi là râu rồng, lấm tấm như hoa ngâu. Quả sắng hình bầu dục, to như quả nhót, khi chín có màu vàng sẫm, ăn có vị ngọt đượm như mật ong.
Điều đặc biệt của sắng Chùa Hương là mọc trên sườn núi đá vôi và lấy mùn cây và lá rừng làm thức ăn. Rau sắng là cây thanh tịnh, nếu lấy phân gia súc, gia cầm mà chăm bón thì cây sẽ bị rệp và chết. Có lẽ vì kén chọn thức ăn và được hưởng khí hậu tự nhiên tuyệt vời của vùng núi Chùa Hương mà rau sắng nơi đây cho chất lượng tuyệt hạng không nơi nào sánh kịp. Một điều kỳ diệu nữa là rau sắng ra nhiều lá non và ra hoa kết trái vào mùa xuân đúng với dịp hội Chùa Hương như để chiều lòng du khách. Tuy nhiên, để cho lá hoa và quả, cây rau sắng phải được từ 3 đến 5 tuổi. Sau 10 năm cây rau sắng mới cho thu hoạch nhiều.
Tất cả các bộ phận của cây rau sắng đầu dùng làm thực phẩm và làm thuốc được. Quý nhất là quả sau đó là lá và hoa (rồng rồng). Cành lá rau sắng dùng nấu canh ăn ngọt, thơm dịu, mát và bổ. Các nhà khoa học cho biết trong lá rau sắng có 6,2% protein, 5,5% gluxit, 2,2% xenluloza và nhiều axit min cần thiết cho con người. Chính vì có hàm lượng protein cao nên khi nấu canh, rau sắng cho vị ngọt như có mì chính (glutamat).
Theo kinh nghiệm dân gian, rau sắng thường dùng để nấu canh, có thể nấu với xương lợn, thịt lợn, tôm nõn giã nhỏ, thịt gà, cá rô, cá quả... mỗi thứ một vị, đều rất thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo những người sành ăn, chỉ khi nấu canh suông người ta mới cảm nhận hết những giá trị của rau sắng. Đun nồi nước sôi, nêm chút muối cánh to và nếm thấy vừa vặn thì cho nắm lá rau sắng cùng các đọt thân đã rửa sơ vào nước, chờ nước sôi lại rồi bắc ra ngay. Khi nấu, phải nấu cả những đọt thậm chí cả những đọt thân hơi già và nấu không cần dùng mì chính. Chậm rãi nhai từng chiếc lá, từng đọt ngọt để cảm nhận được vị bùi, vị ngọt, mùi hương thoang thoảng man mát của thứ rau xanh mọc giữa trời, đất, gió và núi này.