Đất Mũi Cà Mau

17:03, 25/04/2010

Đất Mũi Cà Mau - cái tên thật thân quen, gần gũi mà thiêng liêng với mọi con dân nước Việt. Chính vì vậy ai cũng ước ao có dịp được đặt chân tới vùng chót mũi cực Nam của Tổ quốc.  

 

 “Tổ quốc tôi như một con tà

 

Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau…”

 

Những câu thơ trong bài “Mũi Cà Mau” do cố thi sĩ Xuân Diệu sáng tác từ những năm 60 của thế kỷ trước, vào thời điểm đất nước ta còn bị chia cắt bởi chiến tranh, còn phải chịu cảnh “Sông Bến Hải bên bồi, bên lở; Cầu Hiền Lương bên nhớ, bên thương” như tiếp thêm nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho chúng tôi trong chuyến ra Đất Mũi lần này. Qua hơn 1 giờ đồng hồ đi từ bến tàu trên sông Cửa Lớn, sau mấy lần lượn vòng qua các cù lao xanh rì và không biết bao nhiêu lần dập dồi bởi những đợt sóng nước khá mạnh do tàu, xuồng cao tốc, vỏ lãi (một phương tiện giao thông đường thuỷ rất phổ biến ở vùng này) ngược xuôi tạo ra, chiếc xuồng cao tốc chở chúng tôi ghé vào một bến nhỏ. Anh tài công trẻ măng quay sang nói: “Đã đến nơi rồi”. Đột nhiên mọi người nín lặng, cách nhìn, cách cảm của mỗi người lúc này dường như đã được đặt trong bối cảnh của một cuộc hành hương thật thiêng liêng.

 

Đứng trên đài quan sát cao hơn 20m nhìn xuống giữa buổi trưa trời quang mây, nắng vàng rực rỡ, thấy vùng Đất Mũi thật đẹp. Trước mặt chúng tôi là cửa sông chảy ra biển lớn mênh mông. Nối liền bờ bên phải của cửa sông là một dải đất bật lên như một cánh cung ưỡn về phía biển - Mũi Cà Mau, vùng đất cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc ta đó. Dải đất ấy có hình dáng của một mũi tàu đang vươn ra khơi. Trên đó, các loại cây như mắm, đước, sú, vẹt chen nhau mọc ra tận mép nước, làm thành một đường viền xanh biếc. Theo những người dân địa phương cho biết, trong những năm chiến tranh ác liệt chống Pháp rồi chống Mỹ, những cánh rừng xanh ngút ngàn ở đây đã trở thành rừng kháng chiến. Lõi quả mắm đã từng là thứ cứu đói cho du kích và đôi khi cho cả bộ đội chính quy của ta trong những tháng năm chiến tranh khốc liệt. Bây giờ, rừng kháng chiến đã là làng rừng du lịch, phục vụ cho cả hai loại hình du lịch sinh thái và du lịch về nguồn. Hàng chục năm trước, khi người dân nơi đây bắt đầu thực hiện chương trình trồng rừng phòng hộ và lấn biển, cây mắm là cây tiên phong, rồi đến cây đước, sú, vẹt… Quả mắm thuôn dài và nhọn, khi lìa cành rơi xuống là cắm thẳng vào vùng đất sình, không cần chăm bẵm, chừng nửa tháng sau thì bật rễ, đâm cành, bò dần ra biển. Đất bồi lên theo độ dày và dài của rễ mắm, đến lúc vừa se mình thì từ "tuyến sau", các loại cây khác đến “thế chân”, làm cho đất rắn dần. Cứ thế, bình quân mỗi năm bờ biển Tây dài 30km chạy dọc doi đất cuối trời Tổ quốc này lại lấn ngang ra biển được khoảng 80m, và qua hơn 10 năm diện tích rừng phòng hộ ở đây đã rộng thêm hơn 10.000ha. Đến nay, do các loại cây bám đất sình rồi lấn dần ra biển về phía Nam đã đẩy cột mốc GPS 001 (được xây dựng tiếp giáp ngay mép nước biển vào tháng 1-1995 tại cao độ 0 mét so với mực nước biển, tại điểm tọa độ 8 độ 37 phút 30 giây vĩ tuyến Bắc và 104 độ 43 phút kinh độ Đông) lùi sâu vào bờ hàng chục mét.

 

Tình cờ, chúng tôi gặp ở Đất Mũi ông Phan Hoàng Uyên, 62 tuổi, quê gốc Nam Định, đã sang Úc định cư hơn 20 năm. Nay trở về Việt Nam, ông một mình thực hiện chuyến đi dọc đất nước từ Bắc vào Nam bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, tới tỉnh, thành nào cũng cố gắng tìm đến tham quan những điểm di tích lịch sử cách mạng, các danh lam thắng cảnh. Nói về cảm xúc của mình khi được đặt chân tới Đất Mũi Cà Mau, giọng ông như nghẹn lại bởi xúc động. Và, với chiếc máy ảnh du lịch mang theo, ông chụp rất nhiều tấm hình trên vùng Đất Mũi. Ông bảo sẽ mang về bên Úc cho con cháu xem, để chúng thêm hiểu biết về quê cha đất tổ…

 

Có một điểm mà bất kỳ ai khi đặt chân đến đây đều dễ nhận ra là diện tích rừng ngập mặn ở vùng Đất Mũi được chính quyền và các ngành chức năng của địa phương triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rất nghiêm ngặt, hiệu quả. Trong suốt một buổi sáng ngồi xuồng cao tốc đi trên các con sông lớn cũng như những kênh rạch nhỏ ở vùng này, chúng tôi không thấy có hiện tượng người dân vào rừng chặt cây, đốt củi hay khai thác các loại lâm sản, hải sản khác. Chứng kiến khung cảnh bình yên này, không ít người trong đoàn đã thổ lộ tâm tư: Giá như các cánh rừng của Thái Nguyên, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh ở các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa cũng được bảo vệ tốt như thế…

 

Được biết, từ tháng 5/2009, Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển này có diện tích hơn 370.000ha với 3 vùng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải dài trên 3 huyện địa đầu thuộc tỉnh Cà Mau. Vùng lõi được cấu thành từ 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven biển Tây. Với các hệ sinh thái đặc trưng như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển... Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được coi là ngôi nhà chung của hàng nghìn loài sinh vật và cũng là nguồn tài nguyên địa chất phong phú…