Ba Bể, hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam

09:46, 31/05/2011

Ba Bể (thuộc tỉnh Bắc Kạn) là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dầy hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

 

Khu Ramsar (khu bảo tồn đất ngập nước quốc gia) Ba Bể có hồ rộng khoảng 500ha trên độ cao 178m so với mặt biển. Đây là hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam. Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo và sự đa dạng sinh học. Với độ sâu trung bình 17-23m, có chỗ sâu nhất lên tới 29m, Ba Bể là khu du lịch sinh thái, văn hóa quan trọng trong vùng du lịch miền núi Ðông Bắc...

 

Nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Ba Bể với 21 điểm du lịch, danh thắng đặc sắc, kỳ thú như hang Dơi, động Puông, động Nả Phoòng, động Thẳm Kít… Hồ Ba Bể là một khu bảo vệ độc đáo trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam, có các sinh cảnh nước ngọt rất phong phú, nơi có các quần thể của một số loài động vật rất quan trọng trong việc duy trì tính đa dạng sinh học, cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam ghi nhận một loài linh trưởng có vùng phân bố hẹp là voọc đen má trắng... Ba Bể là khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới và là 1 trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

 

 

Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

 

Hồ Ba Bể gắn liền với sự tích huyền thoại về sự ra đời của nó. Ngày xưa, ở vùng Bắc Kạn, mỗi năm dân làng Năm Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn (lễ Vô Giá) thu hút đông đảo dân chúng khắp miền tề tựu. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng dự lễ. Thấy quần áo bà rách rưới, tả tơi, người bốc mùi hôi hám, mọi người đều khó chịu, lánh xa. Đến nhà nào xin ăn, bà lão đều bị xua đuổi, mắng nhiếc vì sợ lây bệnh hủi. Có hai mẹ con người đàn bà goá thương tình liền gọi bà lão vào nhà, cho ăn uống no đủ và cho ngủ nhờ một đêm trong lều. Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão cùi đâu, mà là một con rắn lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa. Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc, nói rằng bà giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Năm Mẫu lễ Phật. Bà lão báo trước với hai mẹ con là sắp có tai họa lớn xảy ra và dặn khi nào thấy nước nguồn bắt đầu đổ về thì hai mẹ con hãy mau mau chạy lên đỉnh núi mà tránh. Nói xong, bà lão biến mất. Qua ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, nước ở đâu cuồn cuộn đổ tới tứ phía, tràn vào thung lũng, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Tất cả mọi người đều bị chết ngạt, chỉ có 2 mẹ con bà goá chạy lên trên đỉnh núi cao thoát nạn.

 

 

 

Trên núi, họ dựng lên một gian nhà nhỏ sinh sống, về sau nơi ấy thành một ngôi làng đông đúc, ngày nay có tên là làng Năm Mẫu. Thung lũng bị nước tràn ngập hoá thành 3 cái hồ rộng lớn, mênh mông như bể, nên người ta gọi là hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ Ba Bể rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ của miền thượng du Bắc Việt…

 

Năm nay, nhân kỷ nịêm ngày Môi trường thế giới (5/6) và năm quốc tế về Rừng (2011), Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức các hoạt động quốc gia vào ngày 4/6. Tại đây, sẽ khai mạc Triển lãm rừng Việt Nam, hội thảo bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học, trao Giải thưởng môi trường Việt Nam và phát động Cuộc thi quốc gia sáng tác ca khúc về môi trường lần 2. Lễ mít tinh quốc gia được tổ chức ngày 5/6. Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ trao quyết định của UNESCO công nhận Ba Bể là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam. Đây là khu Ramsar thứ ba sau Xuân Thủy và Bầu Sấu (Cát Tiên).