Chợ quê - không gian văn hóa đặc sắc

18:15, 13/06/2011

Chợ quê ra đời do nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các vùng, các làng của người dân. Chợ thường nhỏ đặt bên cạnh đường vào làng, gần bến đò hay trên một bãi đất trống tiện cho việc đi lại.

 

Trong chợ thường có một quán chính năm gian, xung quanh là những ngôi lều tranh nứa đơn sơ, rộng không quá hai thước vuông. Với những chợ lớn hơn, sầm uất hơn thì lều tranh được thay bằng những ngôi nhà dài lợp ngói không có vách. Giống như nhà ở, những ngôi nhà dài này được phân chia thành các gian để bày bán hàng hóa.

 

Việc đặt tên chợ có thể theo nhiều cách khác nhau, dựa vào thời gian (chợ Mai, chợ Hôm) địa điểm (chợ Chùa, chợ Huyện) hoặc loại hàng được bán chủ yếu (chợ Vải, chợ Chum). Việc quy định thời gian họp chợ khá chặt chẽ, thường thì bốn đến năm ngày họp một phiên. Điều này làm cho các phiên chợ ở các làng không trùng nhau, thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa các vùng. Giống như một vòng tròn khép kín như câu ca dao ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã mô tả:

 

Một Râu, hai Méc, ba Ngà

Tư Cầu, năm Táng, sáu đà lại Râu

Bảy Ngà, tám Méc, chín Cầu

Mùng mười chợ Tác một Râu lại về

 

Thành phần buôn bán trong chợ khá phong phú, có thể chia làm ba dạng: Thứ nhất là người buôn bán chuyên nghiệp có lều quán như hàng xén, hàng cá, hàng vải hàng thực phẩm nhưng số lượng không nhiều. Thứ hai là những người nông dân  thường ra chợ vào dịp nông nhàn, gia đình thừa nhân lực hay ít ruộng. Thứ ba là những nông dân kiêm thợ thủ công đem các sản phẩm gia đình ra chợ bán.

 

Mặt hàng ở chợ quê chủ yếu là nông sản mang tính tự cấp, tự túc như lương thực, rau, gia súc gia cầm và những nông cụ sản xuất đồ dùng gia đình như rổ giá, chiếu nón. Cũng có những chợ chuyên bán đồ thủ công truyền thống do chính làng mình làm ra như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng chuyên bán đồ gốm. Chợ Nho Lâm chuyên bán hàng sắt. chợ Đại Bái (Bắc Ninh) chuyên bán đồ đồng.

 

Ở các làng quê người Việt chợ vừa là địa điểm giao thương, bổ trợ kinh tế tiểu nông vừa là nơi trai gái gặp gỡ giao duyên

 

Chợ chiều hẹn chuyến đò ngang

Trai làng cùng với gái làng sang sông

Ngập ngừng câu chuyện lông bông

Hôm sau thành vợ, thành chồng với nhau

 

Có một điều thú vị ít người biết đến là ngoài những chức năng kể trên chợ cũng là nơi giao tiếp giữa con người với thần linh. Tiêu biểu như chợ âm dương ở một số địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ. Chợ này họp vào lúc chạng vạng tối, mặt hàng chủ yếu ở chợ là gà đen, dùng để cúng thành Hoàng vào ngày hôm sau. Gà đen được coi là vật có thể thâm nhập sâu vào cõi âm xem tình hình thế nào để về báo cáo với thành Hoàng, ngoài gà ai có vật gì cũ thì đem bán. Người bán bán với giá rẻ, người mua không mặc cả, lẳng lặng lấy một số tiền ước chừng đưa cho người bán, người bán không đếm tiền. Cuộc trao đổi diễn ra trầm lặng lúc chạng vạng, người ta gọi đây là “mua may bán rủi” mang tính chất tín ngưỡng chứ không mang tính chất thương mại.

 

Ra đời do nhu cầu trao đổi hàng hóa, nhưng sự phát triển của chợ quê đã tạo lập một không gian văn hóa đặc sắc, đó là văn hóa chợ. Không gian tưởng chừng như nhỏ hẹp ấy chứa đựng bên trong vô số những sắc thái của văn hóa vùng, miền. Thông qua hệ thống chợ con người trao đổi hàng hóa cho nhu cầu vật chất và tiếp xúc, giao lưu văn hóa cho nhu cầu tinh thần.