Quảng Ninh có bánh gật gù

09:08, 03/08/2011

Quảng Ninh nổi bật với các món ăn được chế biến từ hải sản nhưng có một loại bánh vừa dân dã, vừa độc đáo, không những ngon mà còn có tên gọi lạ, để lại ấn tượng với du khách: Bánh gật gù.

Cũng như nhiều món ăn đặc sắc của người Việt, bánh gật gù được làm từ gạo. Người ta chọn loại gạo ngon, ngâm nước rồi đem xay thành bột. Điều đặc biệt là gạo phải được xay lẫn với cơm nguội, theo một tỷ lệ thích hợp. Đó chính là bí quyết gia truyền, làm nên cái ngon riêng của mỗi hàng bánh. Bột sau khi xay xong được đem tráng như tráng bánh cuốn, tuy nhiên, bánh được tráng dày hơn bánh cuốn một chút và không có nhân.

 

Bánh tráng xong cứ thế cuốn tròn lại, cắt đôi rồi xếp ra đĩa. Đó mới là xong phần bánh tráng, phần còn lại được coi là “linh hồn” của bánh gật gù, đó là nước chấm. Nước chấm bánh được pha chế từ nước mắm cốt loại ngon nhất của vùng biển Quảng Ninh với hành, tỏi khô và ớt tươi, đun sôi lên cùng với mỡ gà. Đó là thứ nước chấm vừa ngọt đậm đà hương vị biển, vừa cay nồng như thói quen ăn uống của người dân nơi đây. Vị béo ngậy của nước chấm này là từ mỡ gà, gà Tiên Yên cũng là một đặc sản khá nổi tiếng.

 

Nếu chiếc bánh cuốn khi hấp bột được tráng mỏng tang, tưởng có thể nhìn xuyên thấu thì bánh gật gù được cuốn dày dặn hơn nhiều. Vỏ bánh khi chưa cuộn có thể liên tưởng tới món phở cuốn của Hà Nội. Ngoài độ dày của vỏ bánh, khác biệt chính giữa bánh gật gù và bánh cuốn là ở chỗ bánh cuốn thì có nhân còn bánh gật gù thì không.

 

Có người thích ăn bánh gật gù với hến xào. Để đĩa hến xào thơm lừng bên cạnh đĩa bánh gật gù và bát nước chấm nóng hổi thật khó cưỡng lại cảm giác muốn được thưởng thức ngay. Tuy nhiên, cũng có người thích ăn bánh gật gù với thịt khâu nhục, loại thịt kho của người Trung Quốc, một sự giao thoa về văn hoá ẩm thực do sự gần gũi về địa lý.

 

Trong mâm, người nọ cầm chiếc bánh gật gù ba cái chào người kia. Khách gật gù ba cái đáp lại trước khi nhúng miếng bánh vào chén nước chấm đặc biệt cùng với một miếng khâu nhục (thịt kho tàu) được tẩm ướp kỹ càng. Cảm giác mát, mềm của bánh, vị ngọt bùi, thơm, ngậy của miếng khâu nhục ăn kèm, đảm bảo không chỉ cảm giác thỏa mãn những chiếc dạ dày trống rỗng của khách đường xa, mà thực sự còn là một món ăn đáp ứng nhiều yêu cầu của những thực khách khó tính.

 

 

Người ta ăn bánh gật gù phải cầm bằng tay. Miếng bánh cứ dẻo mềm trên tay khiến cho nó có cái tên là bánh gật gù. Nếu ai có dịp về Quảng Ninh, ghé thăm vùng đất Tiên Yên, cách Hạ Long chừng 90 km về phía đông, hãy đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món bánh đặc biệt này.