Những ngày này, khi lúa, ngô đã “nằm yên” trong nhà, cũng là lúc đồng bào dân tộc thiểu số Chơro ở Đồng Nai tổ chức lễ hội Sayangva (ăn thần lúa). Khác với các dân tộc như Stiêng, Mạ, lễ hội ăn thần lúa của người Chơro không có cây nêu và nghi thức đâm trâu. Tuy nhiên, những hoạt động biểu diễn cồng chiêng, tổ chức các trò chơi dân gian, văn nghệ và nghi thức cúng thần lúa của dân tộc này lại mang những nét độc đáo riêng – đề cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Tại xã Bàu Trâm (thị xã Long Khánh), vào đúng ngày người Chơro nơi đây tổ chức lễ hội ăn thần lúa, từ sáng sớm, hàng trăm người Chơro đã tập trung tại nhà già làng, trong không khí rộn rã tiếng cười, những người đàn ông, đàn bà và cả những em bé, mỗi người tự tìm cho mình một công việc phù hợp. Thế rồi, những cây cơm ống (nguyên liệu làm từ gạo nếp và đậu) trong chốc lát đã được đem nướng trên than hồng, những chiếc bánh dày làm từ gạo nếp cùng đậu phộng, dầu ăn, hạt vừng trắng được cuộn tròn xếp ngay ngắn. Chị Thị Út hào hứng nói: "Đây là lần đầu tiên tôi được ăn Tết của dân tộc mình theo cách này. Chúng tôi đã chuẩn bị gần 20 con gà, 80kg nếp và nhiều thức ăn khác để đãi khách. Mấy năm trước, chính quyền cũng tổ chức lễ hội Sayangva, nhưng mấy xã tập trung lại làm một nơi, do đi lại khó khăn nên đa số người Chơro chúng tôi không tham dự được".
Dưới bếp thì tấp nập việc nấu nướng, còn ngoài sân, trên những khoảng đất trống trong vườn nhà ông Thổ Đực, các thanh niên dân tộc Chơro lại hồ hởi với những trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đập niêu,… Nhìn hai thanh niên bịt mắt cầm gậy đật niêu, ông Thượng Búp (73 tuổi) giải thích: Nhìn vậy thôi chứ không dễ đâu, trò này người chơi phải bịt mắt, từ khoảng cách ít nhất 10 mét rồi tiến về phía niêu (treo trên cao). Thế nên nhắm hướng đi phải chính xác, chỉ cần chệch một tí, không ngã là may, nói gì đập vỡ được niêu.
Phấn khích trước những trò chơi, ông Thượng Búp cũng nhập hội kéo co, bị ngã đau song ông vẫn cười hào sảng: "Thấy lớp trẻ chơi những trò này tôi lại nhớ về thời thanh niên của mình. Người Chơro chúng tôi quanh năm, sớm tối đi làm, may cha ông để lại cho lễ hội Sayangva, dịp này, ngoài tạ ơn thần linh, chúng tôi còn được gặp gỡ nhau và thỏa thích vui chơi".
Lớp trẻ con cũng có nhiều cách riêng để “hưởng thụ” ngày lễ Sayangva. Các em, đứa thì xem người lớn chơi trò chơi dân gian, một số khác chơi nhảy dây, có em dõi theo người lớn bày mâm lễ, nấu nướng thức ăn. Cháu Thị Bình (14 tuổi) nói: "Hôm nay cháu đã học được cách làm cơm ống của dân tộc mình. Ngoài ra, cháu còn biết thêm nhiều điều về lễ hội Sayangva, thì ra dân tộc cháu cũng có những bài hát, điệu múa riêng".
Tất bật nhất trong dịp lễ hội ăn thần lúa là già làng Thổ Đực (76 tuổi), từ nhiều ngày trước lễ hội, già làng đã phải lo chuẩn bị cồng chiêng, rượu cần, sắm lễ vật cúng thần linh. Theo ông Thổ Đực, tỉnh Đồng Nai là nơi cư trú và sinh sống lâu đời nhất của người Chơro, lễ hội Sayangva được người Chơro ở Đồng Nai tổ chức từ tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch hàng năm. Trước đây, các gia đình tự tổ chức việc cúng thần linh rồi mời anh em, người trong dòng tộc, trong làng đến ăn uống. Trong hơn 1 tháng, gia đình này rồi đến gia đình khác thay phiên nhau tổ chức, người được mời đến cũng mang theo một thứ gì đó (rượu cần, gà…) để góp vào chung vui. Ông Thổ Đực tâm sự: “Những người có hiềm khích với nhau, nhưng sau lễ hội Sayangva là mọi bất hòa được xí xóa. Lễ hội này vì thế thể hiện tính gắn kết, hòa hợp trong cộng đồng”.
Già làng lý giải: Sau vụ mùa tổ chức lễ hội Sayangva để cúng tạ ơn thần núi, thần sông, thần đất,… vì đã phù hộ cho người Chơro có một vụ mùa bội thu và cầu mong mưa thuận, gió hòa để mùa sau nhà nhà được no đủ. Tuy nhiên, theo phong tục đề cao cả phần lễ và phần hội, vì thế đây là dịp người người, nhà nhà được vui chơi. Từ những lý do này mà lễ hội Sayangva được dân tộc Chơro truyền từ đời này sang đời khác.
Cồng chiêng và rượu cần, là hai thứ không thể thiếu và được dùng để cúng thần linh trong lễ hội Sayangva. Ngoài ra, lễ vật mà người Chơro dâng các vị thần dịp này còn có gà, lợn, bánh dày, cơm ống. Sau gần 1 ngày vui chơi, sửa soạn, buổi chiều là lúc lễ cúng thần linh chính thức diễn ra. Kết thúc bài cúng của già làng, khi tiếng cồng vang lên, người Chơro tập trung bên bếp lửa, cùng nhau hát múa, uống rượu cần cho đến tận đêm khuya. Riêng những người già thì ngồi bên chum rượu cần và hát đối – một tục lệ cổ xưa nhất của người Chơro mà ít người còn giữ được.
Già làng Thổ Đực cho biết: Ngày trước sau khi cúng xong, người Chơro ngồi lại với con cháu trong nhà, dạy cho con cháu về truyền thống, tập quán của dân tộc mình cũng như những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Nhiều tục lệ cổ xưa giờ đã mai một, như lễ hội Sayangva, nếu không có sự quan tâm của Nhà nước thì cũng khó duy trì. Việc tổ chức lễ hội hôm nay, Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí, chúng tôi đứng ra tổ chức, thế nên bà con Chơro thấy được trách nhiệm của mình, ai cũng hào hứng góp sức, chung vui. Người Chơro ở vùng này trước đây đều nghèo đói, mấy năm nay, được chính quyền quan tâm, hỗ trợ sản xuất nên kinh tế khá lên, đa số các gia đình đã thoát nghèo.