Tây Thiên – dấu xưa còn lại

10:38, 01/08/2013

Tây Thiên bây giờ đã đẹp hơn xưa rất nhiều trong tư cách là một Khu danh thắng (KDT), là một trung tâm Phật giáo... nhưng cốt lõi của Tây Thiên là nơi thờ tự Quốc Mẫu Năng Thị Tiêu, một người có công với nước giúp vua Hùng đánh Thục thì hãy còn mờ nhạt. Để KDT này được coi trọng trong tư cách là một KDT lịch sử văn hóa nên chăng cần trở lại những gì bị bụi thời gian phủ lấp và bị chính con người hiện đại hủy hoại cuối cùng vào năm 1983.

Trong chiều dài lịch sử không rõ các triều đại nhà nước phong kiến đã có sắc phong cho Quốc mẫu Năng Thị Tiêu từ bao giờ để ghi nhận công lao của bà với đất nước, nhưng hiện tại chỉ còn hiện diện duy nhất một đạo sắc của vua Khải Định năm thứ 9 ngày 25 tháng 7 mà tôi biết có một người nặng lòng với Tây Thiên Quốc mẫu đã tìm kiếm và gìn giữ được như sau:

 

Sắc cho Vĩnh An tỉnh, Tam Dương huyện, Đông Lộ thôn tòng tiền phụng sự phụng sự Tam Đảo Sơn Trụ Thái phu nhân đại vương tôn thần nguyện tặng trấn an tức thuận tĩnh trọng chinh uyển vũ bảo trung hưng tôn thần hộ quốc để dân niệm chứ linh ứng tiết mông

 

Ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự tứ kim chính trực Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đan ân lễ long đăng dật chứ gia tăng trai tĩnh trung đẳng thần đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự . Khâm tai, Khải Định”

 

Tạm dịch như sau: Lệnh cho thôn Đông Lộ xã Sơn Đình huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Yên cứ như trước mà tôn thờ vị Thái phu nhân ở núi Tam Đảo là thần được tôn kính nguyên trước đã tặng trấn an trợ thuận tĩnh trọng chinh uyển dực bảo trung hưng tôn thần đã giữ nước giúp dân rất linh ứng thay.

 

Nay nhân gặp tiết Trẫm 40 tuổi mừng thọ ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ từng ban chiếu chỉ vì ơn sâu lễ vật long trọng dâng lên và còn gia tặng: Trai tĩnh trung đẳng thần được đặc biệt phụng thờ và ghi chép vào sổ vàng của nhà nước . Kính thay

 

Khải Định ngày 25 tháng 7 năm thứ 9

 

Theo những thông tin có căn cứ chúng tôi biết rằng vào những năm 80 của thế kỷ trước ông Vũ Đình Hải khi đó đã 74 tuổi trú tại Tam Quan đã nộp cho Ty Văn hóa Vĩnh Phú 13 trong 14 sắc phong của các triều vua cho Quốc mẫu Tây Thiên còn sót lại ở thời điểm đó (gìn giữ được sau khi đền bị phá) gồm của các vua triều Lê như Lê Dụ Tông, Lê Đế Duy Phường, Lê Cảnh Hưng , các vua triều Nguyễn như: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định nhưng không hiểu vì lý do gì mà những sắc phong có giá trị lịch sử như vậy đã không được xem xét đánh giá một cách đúng mức . Nhưng điều đáng trách là những người nhận báu vật của quốc gia ngày ấy đã không bảo quản giữ gìn để đến nỗi giờ này không còn tìm thấy dấu vết. Tuy nhiên còn một số ghi chép về các sắc phong thì thấy các năm mà các vua Lê, vua Nguyễn sắc phong cho Quốc Mẫu Tây Thiên thường là ngay sau khi lên ngôi ( Lê Hiển Tông, Gia Long) hoặc 2 năm sau khi lên ngôi như Quang Trung, Minh Mệnh, Lê Đế Duy Phường , Đồng Khánh, Duy Tân, năm thứ 3 như Tự Đức . Sau 30 năm tại vị Tự Đức lại có sắc phong. Lê Cảnh Hưng 44 năm sau trước khi qua đời 2 năm lại có sắc phong.

 

Cụ thể như sau :

 

1. Cảnh Hưng nguyên niên tháng 7 ngày 24

 

2. Cảnh Hưng năm thứ 44 ngày 16 tháng 5

 

3. Vĩnh Khánh năm thứ 2 ngày 10 tháng 12

 

4. Vĩnh Thịnh năm thứ 7 ngày 24 tháng 3

 

5. Quang Trung năm thứ 2 ngày 12

 

6. Gia Long nguyên niên ngày 26 tháng 3

 

7. Thiệu Trị năm thứ 6 ngày 17-11

 

8. Thiệu Trị năm thứ 6 ngày 18 tháng 12

 

9. Minh Mệnh năm thứ 2 ngày 21 tháng 7

 

10.Tự Đức năm thứ 3 ngày 20 tháng 11

 

11. Tự Đức năm thứ 33 ngày 24 tháng 11

 

12. Đồng Khánh năm thứ 2 ngày 7 tháng 2

 

13. Duy Tân năm thứ 3 ngày 11 tháng 8

 

14. Khải Định năm thứ 9 ngày 25 tháng 7

 

Trong câu chuyện này chúng tôi chỉ xin cung cấp cho bạn đọc một văn bản về người anh hùng Năng Thị Tiêu – Người được phong là Sơn Trụ Quốc mẫu Đại Vương mà lâu nay vẫn quen gọi là Quốc mẫu Tây Thiên. Văn bản có tên gọi là Cổ Tích Thư: “Xã Đông Lộ, tổng Khai ngoại, huyện Tam Dương chép lại tích ở chùa Tây Thiên ngày 8/6 năm Đinh Tỵ Khải Định thứ 2.

 

Xưa truyền Đại Vương ngọc phả Quốc Mẫu núi Tam Đảo như sau: Có một vị hào trưởng ở trang Đông Lộ, động Tam dương, phủ Đoan Hùng đầu đạo Sơn Tây, nước Văn Lang, hiệu Việt Tích Hùng Đồ trị quốc Hùng Vương. Vị này có họ là Năng tên Vỹ gần 40 tuổi, vợ cả họ Đào tên Liễu đã ngoại 40. Ông thì khí tượng khôi kỳ, anh hùng, khoáng đạt cũng là tông phái của Hùng Vương. Ông bà chưa thấy điềm sinh con trai. Một ngày ông bà lên núi Tam Đảo đi về phía Nam tới chùa Tây Thiên dâng hương cầu tự khi đó mặt trời đã xế, nhân nằm lại để cầu mộng ứng. Trong giấc ngủ Đào Thị bàng hoàng thấy mây ngũ sắc bay lượn trong chùa, hương đưa ngào ngạt. Trong giải mây vàng có bảy, tám nàng tiên áo choàng sặc sỡ, người hát, người múa, đàn nhạc vang lừng,... Đào Thị sực tỉnh giấc mơ, biết ứng điềm lành. Từ đó tâm thần chuyển động mang thai đến ngày 10 tháng 5 Giáp Thân sinh hạ được một bé gái. Sinh ra khi đó trời ráng đỏ huy hoàng, hào quang xán lạn, gió hương ngào ngạt, khí lành bao bọc cả chín phương trời. Đầy tháng đứa trẻ dung mạo kỳ tú, đoan trang, nguyệt thẹ, hoa nhường. Lên một tuổi biết nói, 6 tuổi thông thạo âm luật, mệnh danh là Tiêu, còn gọi là Xích Cảm. Ông bà hết lòng yêu dấu, năm 11 tuổi đã thạo mọi nghề của nữ giới, lại thích võ nghệ, binh thư, thao lược. Trong lòng ôm ấp cái mộng tài kiêm văn võ thực là anh hùng trong nữ giới!

 

Đến năm 20 tuổi khí lực dũng mãnh, tài lược hơn người. Hào kiệt trong động và các huyện trong vùng đều vui mừng và thần phục. Lại có phép thần thông xuất quỷ nhập thần, biến hóa khôn lường. Khi có quân Thục xâm lấn, trong nước náo động, vua Hùng kêu gọi hào kiệt trong nước chống xâm lăng để giữ nguyên bờ cõi. Khi đó cô gái Năng Thị Tiêu với tên Hội Nương chiêu mộ được nhiều tráng đinh ở phía Đông 50 người, Sơn Đình 100 người, Khai Nội 150 người, Khai Ngoại 150 người cùng trai tráng các huyện cả thảy 3 ngàn quan sĩ tới kinh là đất Việt Trì thuộc Phong Châu ra mắt vua Hùng. Nhà vua rất đỗi vui mừng giao tinh binh 10 vạn, ngựa mạnh 3 ngàn, thuyền chiến 5 ngàn cho Hội Nương thống suất thủy bộ, quân mã.

 

Ngày 29/2 cất quân, khi ấy Hội Nương phụng mệnh từ kinh đô chia quân tiến làm 3 ngả: Một ngả 3 vạn tinh binh, 1 ngàn ngựa chiến từ Phong Châu đi đến Chu Giang Hưng Hóa để giao chiến với quân Thục. Một ngả 3 vạn hùng binh, một ngàn ngựa mạnh, 1 ngàn danh tướng từ sông Đà thẳng hướng tới sông Mã giao chiến còn một ngả nữa 4 vạn tinh binh, cùng ngựa mạnh tướng tài theo đường núi thẳng tới châu Tuần Giáo đánh Thục. Binh mã 3 ngả cùng hội chiến ở đất Quỳnh Nhai giết chết hơn vạn quân Thục khiến giặc đại bại phải lui về chốn cũ không dấm xâm lấn nữa. Hội Nương hồi binh nhập triều, mở tiệc mừng công, thăng chức cho tướng sĩ Tây Chinh. Ngày 28 tháng 2 được tôn làm Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương. Hội Nương sau khi thắng trận lại đem binh trở về động cũ giết trâu, mổ bò mở tiệc bái tạ phụ lão và hào kiệt các huyện quanh vùng. Khi đó cha mẹ ngoài 80 tuổi vô bệnh tật. Ngày 12 tháng giêng Hội Nương sửa lễ mừng thọ cha mẹ, truyền lệnh trong tổng: Xã Khai Nội lập làm Tả Cung, xã Khai Đình lập làm hữu cung, xã Đông Trang lập làm hạ cung. Nơi chùa Tây Thiên bỗng thấy mây ngũ sắc chuyển vần từ trên trời xuống. Một ngày bỗng trong mây xuất hiện chiếu chỉ của thượng đế đòi công chúa về trời. Hội Nương liền tắm gội cùng thiên sứ thăng thiên, di vật còn lưu lại ở chùa Tây Thiên. Ngày người hóa vào ngày 15 tháng 2 cả nhân gian đều biết.

 

Trong xã có người đem việc kính tâu với Vua Hùng. Đáp lại người có công triều đình đã sai quan tới tế và gia tặng: Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại Vương, đệ nhất thượng đẳng phúc thần bốn mùa cúng lễ, muôn thưở ghi lòng.

 

Về sau các nơi lập miếu ghi võ công lưu truyền từ Đinh, Lê, Lý ,Trần ... Phàm các triều khai sáng đều làm lễ tế thiên hạ thái bình và truy phong các thần trong nước vẫn có sắc phong cho bà như các triều trước.

 

Về sau Tô tiên sinh có bài thơ vịnh rằng:

 

Tam Đảo thiên sinh nhất đóa tiên/ Sinh phù Hùng thánh tử phù thiên/ Quần thoa nhan sắc sơn hà động/ Phấn đại anh thanh thảo mộc thiên/ Vạn cổ trường lưu danh bất hủ/ Tam dương đài tích phấn vưu miên/ Khánh kim đông lộ sinh thần nữ/ Xương xích đa chiêm phúc trạch yên ”

 

Dịch nghĩa: “Ở núi Tam Đảo trời sinh một đóa hoa tiên/ Sống phò vua Hùng, lúc thác hóa về trời phò thượng đế/ Nhan sắc khách má hồng làm rung động cả núi sông/ Sắc nước hương trời thật hiếm có/ Tiếng thơm để lại rực rỡ cho muôn thưở/ Đất Tam Dương còn ghi lại dấu tích mừng/ Nay ở đường phía đông sinh thần nữ/ Đã làm cho sơn hà xã tắc được yên vui”.

 

Nếu các nội dung ghi trong Cổ tích thư mà chúng tôi nhắc đến ở trên là đúng thì 13 đạo sắc phong còn sót lại đến năm 1983 chỉ là một lượng rất nhỏ trong số các đạo sắc phong có từ thời Hùng Vương đến Khải Định triều Nguyễn . Chỉ căn cứ vào nội dung sắc phong còn sót lại (phong theo các triều vua trước) cũng đã đủ khẳng định công lao của người nữ anh hùng Năng Thị Tiêu cần được vinh danh một cách xứng đáng bằng việc sớm lập hồ sơ công nhận đây là: Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia thay cho tên gọi Khu di tích danh thắng như hiện nay.