Chiếc địu đã trở thành phong tục, thành nét văn hóa đẹp của đa số đồng bào các dân tộc vùng cao ở Việt Nam. Phong tục này đặc biệt thể hiện rõ nét ở đồng bào Tày, Thái…
Nét văn hóa độc đáo
Người Tày, Thái có nghề dệt truyền thống khá phát triển và mang đậm bản sắc dân tộc. Sản phẩm của nghề dệt rất phong phú như vải, quần áo, địu, chăn, đệm... Ngoài yếu tố về vật chất thì sản phẩm dệt còn mang yếu tố tinh thần, tâm linh sâu sắc như: dùng để làm đẹp; đánh giá tài năng, đức tính của phụ nữ Thái; đánh giá sự giàu nghèo trong mỗi gia đình người Thái, Tày; trang phục, vải vóc còn được dùng làm quà tặng, của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng... Trong những sản phẩm đó thì chiếc địu là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình người Thái, Tày. Địu là sản phẩm của nghề dệt, dùng để địu trẻ con, địu còn là quà tặng của bà ngoại, các bà cô, bà bá (bác) cho cháu, là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái.
Địu được làm chủ yếu bằng vải sợi bông nhuộm chàm đen, trang trí thêm bằng cách ghép các loại vải nhiều màu sắc tạo màu sặc sỡ. Địu gồm hai phần: Dây địu và thân địu. Thân địu có hình chữ nhật, kích cỡ 25 x 40cm, được may hai lớp vải: Lớp trong là vải chàm đen, lớp ngoài gọi là mặt địu được làm bằng vải thổ cẩm (Khít pe). Người ta thường chọn loại thổ cẩm đẹp nhất để làm mặt địu. Phía trên của mặt địu được ghép vải các màu thành các đường ngang hình răng cưa và một đường tua bằng các miếng vải hình chữ nhật, tạo cho mặt địu có màu sắc sặc sỡ, nổi bật, phần dưới của thân địu để một khoảng trống nhỏ giữa hai lớp vải để luồn dây địu.
Dây địu có hai dây, dây trên và dây dưới: Dây dưới được may bằng vải thổ cẩm, chập dải vải tạo thành hình ống để tạo độ chắc, luồn qua thân địu, chiều dài của dây dưới đủ để buộc quanh bụng người địu; hai dây trên giống như hình cánh dơi, may bằng vải chàm, một cạnh gắn vào thân địu, hai cạnh thuôn nhỏ dần, chiều dài mỗi dây khoảng một sải tay.
Khi địu trẻ con, người ta buộc dây dưới quanh bụng, thắt phía trước bụng, đặt đứa trẻ lên lưng, hai chân để sang hai bên lưng người địu trong tư thế ngồi trên lưng. Vào mùa đông, để cho đứa trẻ được ấm, khi địu phủ một tấm chăn lên lưng người địu, cho chăn phủ lên mình đứa trẻ và quấn chặt chân cho đứa trẻ luôn ấm. Dây trên địu sẽ vòng qua hai vai người địu, vắt chéo phía trước người, rồi vòng qua sau mông đứa trẻ và buộc lại. Cách địu này giúp trẻ được bọc chắc chắn vào lưng người địu.
Chiếc địu có tác dụng giúp những bà mẹ có thể vừa trông con, vừa rảnh tay để làm việc: từ những việc nhẹ nhàng như nấu cơm, giặt giũ, dệt vải đến những việc nặng nhọc; làm nương, lấy củi, gánh nước... Đứa trẻ được địu sẽ có thể chơi, ngủ... trong sự an toàn và quan tâm của người mẹ.
Quà của bà ngoại tặng cháu đầu lòng
Người Thái, Tày khi sinh nở, họ không bao giờ chuẩn bị sẵn đồ cho trẻ sơ sinh mà đến khi mẹ tròn con vuông, từ khoảng 10 ngày đến một tháng họ mới may cắt quần áo cho đứa trẻ, còn địu thì thường là do bà ngoại làm tặng cho cháu đầu lòng vào dịp đầy tháng.
Theo quan niệm đồ của trẻ sơ sinh phải được gắn với số mệnh của đứa trẻ, nên khi cắt may địu, họ phải chọn theo ngày sinh của đứa trẻ. Đồng bào Tày, Thái cho rằng ngày đứa trẻ được sinh ra sẽ gắn với số mệnh của nó. Khi cắt may họ phải chọn loại vải thổ cẩm nào đẹp nhất để làm mặt địu, vừa là quà mừng, vừa là tình cảm của bà ngoại dành cho cháu. Cùng với gạo nếp, gà, thì món quà không thể thiếu của bà ngoại dành cho đứa cháu đầu lòng chính là chiếc địu.
Những đứa trẻ sinh ra sau này, bà ngoại cũng có thể tặng địu hoặc một tấm vải thổ cẩm đẹp để con gái tự cắt may địu cho con mình tùy theo từng hoàn cảnh, không còn là điều kiện bắt buộc phải có.
Tục địu con cũng lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc khác từ lâu đời. Hình ảnh người mẹ vùng cao với đứa con trên lưng làm tất cả mọi công việc đã trở thành hình ảnh đẹp trong thi ca. Ai cũng biết, bài thơ nổi tiếng “Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về hình ảnh người mẹ Tà Ôi: Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ… Hình ảnh người mẹ vùng cao địu con đã trở thành nghệ thuật, là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhiếp ảnh gia.
Ngày nay, với nhiều phương tiện trông trẻ hiện đại nhưng chiếc địu vẫn được người mẹ các dân tộc vùng cao, trong đó đặc biệt là người Tày, Thái sử dụng, bởi chính là cách để gìn giữ và phát huy những tinh hoa được chắt lọc trong văn hóa truyền thống của đồng bào./.