Hàng thế kỷ trôi qua nhưng con đường lát bằng đá xanh tại làng Phù Lưu (Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh) vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Con đường độc đáo về chất liệu ấy đã xuất hiện trong truyện ngắn “Làng” của cố nhà văn Kim Lân.
Lịch sử đẹp về con đường
Nhà văn Kim Lân, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng (nay là phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sau cổng làng là con đường lát đá xanh hàng lối thẳng tắp, đâu đó hai bên đường là những ngôi nhà cổ như minh chứng lịch sử về một làng quê sầm uất một thời.
Bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở Phù Lưu cũng lấy làm tự hào về con đường của làng, luôn dành tình yêu đặc biệt cho con đường đá xanh có một không hai như nhân vật ông Hai của nhà văn Kim Lân trong truyện ngắn “Làng” nổi tiếng: “Ông Hai yêu cái làng chợ Dầu của ông thật đậm đà, tha thiết, yêu đến nỗi đi đâu ông cũng khoe về cái làng của ông. Kể về làng chợ Dầu, ông nói một cách say sưa mà không cần biết người nghe có chú ý hay không. Ông khoe làng ông có nhà ngói san sát, sầm uất, đường trong làng lát toàn bằng đá xanh, trời mưa đi từ đầu làng đến cuối xóm bùn không dính đến gót chân”.
Theo ông Lê Trần Thúy, một cán bộ hưu trí nhiều năm làm công tác văn hóa của thôn Phù Lưu thì gốc tích của con đường đá xanh đã có từ lâu đời. Trước đây, làng Phù Lưu có cụ Hoàng Thúy Chi là quan Tổng trấn tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Ông là người có thế lực và uy tín trong vùng. Năm 1933, ông về vận động dân làng đổi mới nếp sống văn hóa mới qua việc sửa đình Phù Lưu, xây Gác chuông chùa, xây Văn chỉ làng nhằm tôn vinh những người thành danh và người có công với làng và xây Hương học đường. Trong thời gian Phù Lưu xây dựng các công trình trên, làng bên cũng mua đá xanh về làm công trình, nhưng vì một lý do nào đó lại không dùng. Ông Hoàng Thúy Chi biết tin nên đã cho người mua lại toàn bộ để làm đường làng. Hồi ấy theo các cao niên trong làng kể lại mỗi viên đá có giá lên tới 50 xu.
Cũng theo ông Lê Trần Thúy, đường được thiết kế trên các trục đường lớn, đường chính lát 4 viên đá theo chiều ngang chạy từ đầu làng đến cuối làng. Trên các trục đường chạy vào trong ngõ lát 2 viên. Đặc biệt, con đường được thiết kế để khi người lạ đến Phù Lưu đã đi vào đường làng trên dải đá xanh sẽ không bao giờ bị lạc. Đường đá được thiết kế xuyên tâm, còn các ngõ cụt sẽ được lát gạch. Khi đã đi trên đường đá xanh thì chắc chắn sẽ tới được trục đường chính của làng. Ngày trước dù Phù Lưu chưa có điện, nhưng ở các góc đường đều có đèn bão để báo cho người đi đường biết đâu là đến khúc cua, ngã ba, ngã tư. Hệ thống thắp sáng này do đội tuần đinh dưới sự quản lý của Lý trưởng, cứ đến chập tối, đội tuần lại đi thắp tất cả ngọn đèn này.
Thời gian thực dân Pháp chiếm làng, hệ thống đường làng bị cạy phá, mất mát, hư hỏng. Sau khi quân Pháp rút đi, người làng quay về thu gom và sửa chữa lại con đường, khôi phục lại mặt đường. Cho đến năm 2007, dân làng Phù Lưu họp bàn về việc tổng trùng tu, nâng cấp con đường đá xanh của làng. Lúc đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng thời buổi này thu gom làm gì, bê tông hóa cho sạch đẹp. Tuy nhiên, quan điểm của các cụ cao niên trong làng và nhiều người trẻ không đồng tình với việc bỏ con đường đá xanh đã gắn bó với dân, với làng qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt. Dân làng đồng tình bảo tồn con đường ở mức tối đa có thể, kiên quyết không “bê tông hóa”.
Ngày trước, đường làng Phù Lưu ở giữa lát đá, hai bên vẫn là bùn đất lầy lội nhưng sau này đời sống người dân khấm khá hơn đã lát thêm gạch, nhưng phải xếp nghiêng và hình xương cá để đảm bảo con đường bền mà vẫn đẹp, vẫn giữ nguyên đá xanh ở giữa. Ngày nay, con đường lát đá xanh Phù Lưu hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của làng quê Việt. Gần một thế kỷ trôi qua, mặt đá không còn những vết rỗ, vết băm để người đi đường không bị trơn trượt vào những hôm trời mưa. Nay mặt đá ở con đường chính dẫn vào làng Phù Lưu đã mòn và bóng lên hàng ngày, đẹp lạ thường.
Dấu tích một vùng quê trù phú
Bên cạnh con đường lát đá xanh, Phù Lưu còn nổi tiếng bởi một chợ Giầu, nổi tiếng sầm uất nhất vùng Kinh Bắc một thời. Chợ Giầu trước kia chuyên mua bán trầu cau nằm sâu trong thôn Phù Lưu, cũng bởi vậy mà người ta quen gọi làng Phù Lưu là làng Giầu Phù Lưu. Phù Lưu vẫn còn đó dấu tích về một thời buôn bán hưng thịnh, đó là những ngôi nhà cổ, những mái tam quan, con đường lát đá vào làng.
Chợ Giầu - Phù Lưu xưa kia được biết đến là một trong 5 chợ nổi tiếng đất Kinh Bắc được xây dựng từ thế kỷ XV. Đến thế kỷ XIX, chợ Giầu mới thực sự phát triển và hưng thịnh. Thời ấy làng Phù Lưu có 180 hộ thì có tới 144 hộ chuyên kinh doanh, buôn bán. Bởi vậy mà, nhiều người còn gọi làng Phù Lưu là làng buôn. Người phụ nữ ở đây rất đảm đang, giỏi giang tháo vát. Nếu chồng là công chức, cán bộ thì người vợ làm kinh tế chủ đạo trong gia đình.
Đã từ lâu đời, trong khi biết bao làng quê nơi đồng bằng xứ Bắc hầu như đều theo tín ngưỡng thờ Mẫu, hoặc thờ Tứ bất tử, thì người làng Phù Lưu thờ Bà chúa đầm. Đó là hình ảnh Thần hàng hóa, vị thần tối linh của nghề buôn bán. Người Phù Lưu đi buôn bán khắp nơi với lòng tin có Bà chúa đầm luôn phù trợ.
Do buôn bán phát đạt, người Phù Lưu nảy sinh nhu cầu thành lập một điểm mua bán, trao đổi hàng hóa. Đến thời Lê sơ, thế kỷ XV, có một vị quan Thái bảo họ Nguyễn, người Phù Lưu, đã đứng ra hưng công lập chợ Giầu. Do công đức ấy, người Phù Lưu đã lập bia ghi công tích của vị quan Thái bảo họ Nguyễn ấy.
Làng Phù Lưu hình thành từ rất lâu đời trong lịch sử. Trên cổng làng vẫn còn bút tích, câu đối và các nhà sử học từng về đây tìm hiểu lịch sử làng. Kết quả cho thấy làng Phù Lưu có bề dày lên đến hàng nghìn năm.
Làng Phù Lưu đặc điểm là ngôi làng mở, không khép kín. Con trai được học hành thì ra ngoài làm công nhân viên chức, người không học hành cũng ra ngoài buôn bán. Chính vì sớm có những quan hệ mở nên người Phù Lưu vừa giữ được truyền thống mà vẫn tiếp thu được cái mới bên ngoài.