Sự ồn ào của phố thị lùi dần sau mỗi bước chân, làng gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) hiện ra mộc mạc với những ngôi nhà mái ngói rêu phong, giản dị như chính công việc của người thợ gốm bên dòng sông Cầu thơ mộng.
Ðộc đáo một làng nghề
Theo quốc lộ 18 hướng đi Phả Lại, rẽ trái xuống con đường làng nhỏ, qua chợ Châu Cầu, hai bên đường về làng gốm Phù Lãng, những dãy chum, vại, tiểu, quách được xếp gọn gàng giống như "bức tường" ôm trọn lấy làng.
Chúng tôi đến nhà nghệ nhân Phạm Thế Tuệ (68 tuổi) đúng lúc gia đình đốt mẻ gốm mới. Vừa chêm củi vào lò, bác cho biết: "Tôi mới gây lò từ trưa hôm qua, đến giờ lửa chuyển sang mầu trắng, men gốm óng ánh như thế này là trưa nay có thể dỡ lò". Trong xưởng, một tốp dăm sáu công nhân đang miệt mài nặn, tô vẽ sản phẩm mới còn ướt đỏ mầu đất.
Bên chén trà được pha trong chính sản phẩm mình làm ra, bác Tuệ nói: Nếu gốm Thổ Hà lấy nguyên liệu chủ yếu là đất sét xanh, gốm Bát Tràng là đất sét trắng thì gốm Phù Lãng là đất sét hồng đỏ gạch. Sản phẩm được làm thủ công từ khâu nặn, chuốt đến trang trí, vẽ hoa văn, lên men rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên... Xương đất sét có mầu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao sẽ chuyển sang hai mầu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (men da lươn). Dáng của gốm mộc mạc, thô phác, nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa. Ðó chính là yếu tố tạo nên sức hút đặc biệt của gốm Phù Lãng.
Ðể làm ra những đồ gốm mộc mạc, lắng đọng tình người trong đất, người thợ gốm đã đổ bao mồ hôi, công sức. Chị Phạm Thị Hà, con bác Tuệ đang chân vần bàn xoay, tay thoăn thoắt se đòn, cho biết, đất làm gốm mua từ Bắc Giang rồi vận chuyển về đây qua đò sau đó đem đi phơi cho bạc màu, đập thành những viên nhỏ, rồi cho "ngậm" nước. Tiếp đến là khâu xéo tròn, nề đất năm đến bảy lần cho mịn, sờ vào êm tay, cảm giác đất nhuyễn không còn sạn, lúc đó mới có thể se. Tạo hình xong, nếu sờ vào xương gốm không còn dính sẽ dùng lực đấm, thúc từ bên trong để tạo ra những hoa văn bên ngoài theo ý muốn của người thợ. Khi xương gốm chuyển sang mầu trắng nhạt sẽ tiến hành ve, nạo sản phẩm và công đoạn cuối là phủ men, đem phơi, khi nào lớp men phủ chuyển qua mầu trắng đục sẽ cho vào nung.
Nét độc đáo của gốm Phù Lãng được lưu giữ qua bao đời, chủ yếu sử dụng chất liệu tự nhiên làm men. Tro từ các loại cây lim, sến, nghiến, táu thêm vôi sống, sỏi nghiền nhỏ và bùn phù sa trắng trộn đều thành khối, để khô, sau đó đập nhỏ cho vào nước khuấy đều tạo men.
"Phó lò" Phạm Tự Tại là chủ cơ sở "Gốm Tại" giải thích: Ðể nung gốm, phần lớn người dân sử dụng lò rồng được thiết kế theo kiểu lò nằm, chia thành ba khoang, cật lò phẳng, đáy phẳng nhưng dốc từ cửa lò lên ống khói. Gốm đưa vào lò được sắp xếp khoa học, những vật nhỏ như bình hoa, đèn ngủ được đặt gọn gàng trong những chum, vại lớn để tiết kiệm diện tích. Củi để đốt lò phải đượm lửa. Khi nung gốm, người có kinh nghiệm nhìn sắc lửa sẽ biết khi nào gốm "chín".
Chuyển mình khi hội nhập
Trên chất liệu mà hàng trăm năm trước cha ông từng dùng, những năm gần đây, nhiều nghệ nhân trẻ được đào tạo từ các trường mỹ thuật đã "thổi hồn" vào đất, sáng tạo và phát triển những tinh hoa của nghề gốm. Những sản phẩm được vẽ, khắc chìm hay đắp nổi, khoét lỗ, tạo ra các "mắt" gốm. Mỗi sản phẩm gốm hôm nay có sự phát triển mới về kiểu dáng nghệ thuật từ bàn tay khéo léo và sự thăng hoa của những người trẻ làm gốm.
Gốm Nhung và gốm Thiều được coi là hai thương hiệu tiên phong trong dòng gốm mới ở Phù Lãng. Ðầu tiên phải kể đến gốm Nhung, cơ sở sản xuất lâu đời và phát triển hơn 10 năm nay. Các thợ trẻ luôn cố gắng tìm tòi, thể hiện sản phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau. Một số mẫu gốm tinh xảo lấy cảm hứng từ thiên nhiên cỏ cây, hoa lá. Những tác phẩm của gốm Nhung đã tạo được chỗ đứng trên một số thị trường yêu cầu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Với mầu đất nung đỏ cộng với sự hòa sắc bằng các chế phẩm thay men, các họa sĩ trẻ đã tạo ra nhiều sản phẩm lạ mắt, cách tạo hình phong phú, vừa đậm nét cổ truyền vừa mang hơi thở đương đại mà gốm Nhung, gốm Thiều, gốm Ngọc, gốm Tại và nhiều cơ sở sản xuất gốm khác đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Anh Nguyễn Minh Ngọc, chủ cơ sở gốm Ngọc tâm sự: Trước kia, cha ông chỉ làm những sản phẩm gia dụng, tâm linh, sau này, khi sản phẩm sản xuất từ nhựa phát triển mạnh thay thế sản phẩm gốm truyền thống, nhiều gia đình phải sản xuất cầm chừng hoặc tạm nghỉ. Chứng kiến cảnh làng nghề bị mai một, chúng tôi không khỏi xót xa. Sau khi thế hệ đàn anh gốm Nhung, gốm Thiều thành công với gốm mỹ nghệ, năm 2001, anh Ngọc quyết tâm thi đỗ vào Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Vừa học vừa làm, những kiến thức ở nhà trường đã giúp ích rất nhiều cho anh trong việc tạo hình, phối mầu sản phẩm. Hiện nay, anh Ngọc có cơ sở gốm khá lớn, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục công nhân.
Hội tụ các yếu tố văn hóa, lịch sử, mỹ thuật qua nhiều thế hệ, gốm Phù Lãng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Họ tới đây không chỉ để tìm hiểu nghệ thuật làm gốm hay đơn giản là quan sát, chụp lại những bức ảnh về phong cảnh thiên nhiên, con người hiền hòa mà có thể tự tay nặn vuốt sản phẩm mình yêu thích, lưu lại những kỷ niệm đẹp. Một du khách người Nhật Bản sau khi đến tham quan, bộc bạch: "Trước khi đi, tôi chỉ biết làng gốm qua những bức ảnh về chum, vại, lọ hoa, chậu cây làm bằng gốm. Ðến rồi, khi trở về, ấn tượng đọng lại là những món quà đặc biệt từ nụ cười, sự thân thiện, đến vẻ hồn hậu, chân chất của người dân".