Về Ninh Bình thăm đền Thánh Nguyễn

08:37, 22/09/2014

Đức Thánh Nguyễn, hiệu là Nguyễn Minh Không, là một trong 2 nhân vật lịch sử có thật, đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được nhân dân Đại Việt tôn vinh là Thánh. Ông là người đứng đầu Phật giáo bấy giờ, có công xây hơn 500 ngôi chùa khắp Đại Việt.Nay đền thờ ông ngự tại 2 xã Gia Thắng, Gia Tiến (Gia Viễn – Ninh Bình).

Thánh Nguyễn tên thật là Nguyễn Chí Thành (1065-1141), là danh nhân văn hóa lớn, sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình. Năm 11 tuổi, sau khi cha mẹ qua đời, ông xuất gia tu đạo Phật. Sinh thời từng kết giao với 2 người nổi tiếng thời bấy giờ là thiền sư Nguyễn Giác Hải và thiền sư Từ Đạo Hạnh. Học đạo xong, ông về quê xây dựng một ngôi chùa tên “Viên Quang tự”. Ông là người có công trong truyền bá đạo Phật, từng đi khắp nước Đại Việt, xây dựng hơn 500 ngôi chùa, có những ngôi chùa rất nổi tiếng còn tồn tại đến ngày nay: Chùa Bái Đính cổ, Địch Lộng, Non Nước (Ninh Bình); chùa Keo (Thái Bình); chùa Cổ Lễ (Nam Định); chùa Kim Liên (Hà Nội)…

 

Không chỉ tinh thông đạo pháp, ông còn tinh thông y thuật. Tương truyền, do cơ duyên, ông nắm giữ được “Thiên Y thư” (sách thuốc của trời); từng chữa khỏi căn bệnh lạ cho vua Lý Thần Tông bằng phương pháp châm cứu và dùng thuốc Nam, được phong Quốc sư, được ban họ vua, thống lĩnh giới Phật giáo thời bầy giờ. Ông còn được nhân dân vinh danh là ông tổ của nghề đúc đồng, được thờ trang trọng ở nhiều làng nghề đúc đồng lâu đời ở Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Ninh... Ông cũng là người có công đầu đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, đúc đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên, 2 báu vật trong “An Nam tứ đại khí” của Đại Việt thời bấy giờ (2 báu vật còn lại là chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh). Sau khi ông mất, dân làng quanh vùng quyết định biến Viên Quang tự thành đền thờ ông với tên gọi đền thờ Đức Thánh Nguyễn.

 

Đền thờ Đức Thánh Nguyễn còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tháng 2 năm 1989. Đền có kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc, phía trước có vọng lâu, phía sau có gác chuông, ở giữa là tiền đường thiêu hương và hậu cung; tất cả được xây dựng cân đối, hài hòa, trùng điệp, tạo ra chiều sâu, sự thâm nghiêm của di tích. 

 

Ngay hai bên vọng lâu có hai di vật cổ từ thời Lý là cây đèn và hòm sách của đức Thánh lúc sinh thời. Cây đèn là chỗ đức Thánh ngồi thiền mỗi đêm, khi thắp lên, tương truyền, ánh sang chiếu lên tận chín tầng mây; chim chóc, muông thú quây quần nghe đức Thánh đọc kinh, giảng đạo; dưới chân đèn, tương truyền có một viên ngọc quý. Bên trên vọng lâu được đề 4 chữ “Tiên hậu nhất quỹ” thể hiện tài tiên tri tài tình của đức Thánh, bởi khi xây dựng chùa Viên Quang tự thuộc làng Điềm Xá, phủ Trường Yên, nay thuộc 2 xã Gia Thắng, Gia Tiến; như nhắc nhở nhân dân đoàn kết yêu thương nhau, trước sau như một.

 

Điều đặc biệt nữa của vọng lâu, mà theo lời cụ thủ từ Nguyễn Tất Giảng, là kiến trúc của thời Lý, cột cái giữa nóc, một nét kiến trúc rất hiếm trong các công trình thờ tự còn lưu lại. Trước tiền đường thiêu hương là 2 con sóc đá thời Lê sơ, trong tiền đường có 2 chiếc Quán tẩy thời Nguyễn được chạm khắc tinh xảo; 2 chiếc trống tương truyền thời Lý – Trần; toàn bộ khám thờ thời Nguyễn. Ngoài giá trị lịch sử, đền còn được ghi nhận giá trị đặc sắc bởi nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc tinh xảo.

 

Nhân vật lịch sử được thờ trong đền không chỉ mang tầm ảnh hưởng quốc gia mà còn huyền bí linh thiêng. Đức Thánh y thuật cao minh, huyền bí, thống lĩnh Phật giáo. Tô Hiến Thành, một người con cầu tự tại chùa Viên Quang tự, đã trở thành danh tướng thời Lý Anh Tông. Theo cụ thủ từ Nguyễn Tất Giảng, tương truyền, thời hậu Lê, Lê Lợi trước khi đánh thắng giặc Minh đã từng đến lễ đền và cầu nguyện, sau khi đánh thắng giặc đã cho người xây lại đền; Giáo sư Nguyễn Tài Thu đứng đầu về châm cứu cũng xưng là hậu duệ và về bái lễ; Giáo sư Vũ Khiêu cũng đã về chiêm bái. Ngày nay, đền ngày càng được nhiều du khách biết đến về chiêm bái.