Các nhạc cụ của người Ê Đê

15:24, 19/10/2014

Người Ê Đê (còn gọi là Rađê) có khoảng gần 35 vạn người, cư trú tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai, miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Người Ê Đê có kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú. Trong đó nghệ thuật âm nhạc phát triển rất đặc sắc và độc đáo, giàu bản sắc cùng với sự đa dạng phong phú trong các hình thức biễu diễn. Nhạc cụ của người Ê Đê gồm có: cồng chiêng, trống, sáo, khèn, Gôc, Kni, đàn, Đinh Năm, Đinh Ktuk được nhiều người yêu thích.

Cồng chiêng là nhạc cụ của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Stieng thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Âm thanh của cồng, chiêng vang như tiếng sấm rền. Đối với các dân tộc ở Việt Nam, cồng, chiêng được coi là nhạc cụ thiêng. Lúc đầu, cồng, chiêng chỉ dùng để tế lễ thần linh, sau này mới được dùng trong các lễ hội dân gian. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Hiện nay, tại các vùng có cồng chiêng như ở Tây Nguyên, hàng năm có tổ chức Lễ hội Cồng chiêng rất hoành tráng.

 

Vũ điệu cồng chiêng.

 

Bro là nhạc dây phổ biến của người Ê Đê. Bro là một ống tre lồ ô dài khoảng 90 đến 100 cm, đường kính từ 5 đến 8 cm. Phần mặt đàn có dây giăng chạy qua, còn phần đối diện mặt đàn, trên thân ống có 1 lỗ để gắn quả bầu, trét mật ong cho kín khe hở. Bro nguyên thủy chỉ có một dây làm bằng xơ dứa se lại và vuốt bằng sáp ong. Loại Bro cải tiến hiện nay có hai dây krom (dây thép). Ngay mặt trên thân ống, phần dưới dây có 3, 4 núm cao làm bằng sáp ong gọi là phím. Bro là nhạc cụ dành cho nam giới, đánh độc tấu hoặc tự đệm trong lúc hát. Khi đàn, chàng trai không mặc áo. Anh ta úp quả bầu tăng âm vào bụng (phần trên rốn). Tay trái bấm phím, những ngón tay phải móc dây đàn, đồng thời úp mở quả bầu để tạo độ rung, vang khác nhau.

 

Nhạc cụ Bro.

 

Ana Kongan loại nhạc cụ bằng đồng thuộc nhóm gõ được tạo âm bằng cách xóc, có hình dáng như chiếc vành khăn đeo vào ngón tay cái (Ana Kongan), ở giữa hình vành khăn có những hạt sỏi nhỏ, khi chơi, người chơi chỉ rung ngón tay cái thì nhạc cụ tạo ra những âm thanh vui tai. An Kongan thường được dùng trong các ngày lễ cúng như mừng thọ, bỏ mả, tang ma, rước trống…

 

Đing Năm là một nhạc cụ họ hơi (họ sáo) của một số dân tộc ở Tây Nguyên. Nhạc cụ này thường được dùng để thổi theo điệu hát Ayray, trong các lễ hội: Lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ lên nhà mới, tăng lễ… Trong các lễ hội này, nhạc cụ được sử dụng thổi theo làn điệu hát. Âm thanh trầm bổng, cao vút, réo rắt, dồn dập thể hiện cách điệu bản chất hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

 

Kèn Đing Năm.

 

Đing Ktút hay Đinh vuốt là một loại nhạc cụ họ hơi có 4 lỗ trên thân tre như sáo trúc, thiết diện tròn, bên trong rỗng từ đầu này sang đầu kia, dùng phối hợp với thể loại hát Kưứt, một người thổi và một người hát. Âm thanh như gió thổi nhẹ, như suối reo róc rách gợi nên được khung cảnh thiên nhiên phóng khoáng của núi rừng Tây Nguyên.

 

Goong là một ống tre lồ ô dài khoảng 70 đến 90 cm, đường kính từ 5 đến 8 cm, hai đầu ống đều có mấu kín. Phía chân đàn, phần dưới mấu tre có mắc một đầu dây vào, phần đầu dây còn lại quấn vào những trục lên dây bằng gỗ, cắm xuyên qua ống ở phía đầu đàn. Tuy nhiên, có lẽ do ống tre có độ vang kém nên một số nghệ nhân đã nghĩ ra cách gắn thêm nửa quả bầu khô rỗng ruột ở dưới các dây phía chân đàn để làm tăng độ vang của âm thanh. Đàn goong có nhiều loại, tùy theo thiết kế, đàn có từ 10 dây đến 18 dây. Goong là nhạc thường dùng để diễn lại những bài của cồng chiêng bằng hình thức độc tấu.

 

Hgor là loại trống da chỉ có những gia đình giàu có mới sử dụng. Trống được làm bằng một thân cây độc mộc khoét rỗng bên trong. Mặt trống rộng chừng 70 cm đến 1m được bịt bằng da trâu, có gắn một hàng lục bằng đồng. Dùi trống bằng gỗ bịt vải, da. Trống Hgor luôn được chơi chung với đàn Ching và do nghệ nhân có tuổi đánh. Trống Hgor còn được đánh lên khi có tin buồn như nhà có người chết.

 

Ky pá là loại nhạc cụ như tù và làm bằng sừng trâu, khi thổi, người thổi dùng lòng bàn tay vỗ vào miệng tù và tạo tiếng rung, tiếng ngắt. Ky pá có âm lượng rất lớn nên thường được dùng phát hiệu lệnh chiến đấu, đuổi muông thú. Ky pá còn dùng trong lễ tang ma, rước trống, cúng rẫy, cúng thần nước…

 

Ching là loại nhạc cụ gõ bằng đồng phổ biến và độc đáo. Ching theo quan niệm của người Ê Đê có thể giúp con người tiếp xúc với thần linh (Yang) Vì vậy Ching chỉ xuất hiện trong các lễ lớn và có giá trị vật chất rất cao (Một bộ Ching tốt có thể đổi 1 con voi hay 20 con trâu).