Thăm chùa Trấn Quốc nhớ về “Tây Hồ bát cảnh”

15:07, 21/10/2014

Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo đất nhỏ, bốn mùa xanh tươi cây lá, hiền hòa soi bóng trên mặt nước Hồ Tây phẳng lặng, nơi có một quần thể thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội.

Xét về mặt lịch sử thì chùa Trấn Quốc được coi là ngôi chùa cổ nhất trong các ngôi chùa của cả nước còn bảo tồn được đến nay. Theo các câu chuyện còn lưu truyền thì nguyên thủy chùa được xây dựng từ đời vua Lý Nam Đế (544-508) và có tên là chùa Khai Quốc (Hàm ý: ghi dấu thời kỳ mở nước, một dấu mốc quan trọng của một quốc gia). Khi đó, chùa nằm trên một địa điểm bằng phẳng và thấp ở ven bãi sông Hồng, phía bên ngoài con đê bao bọc, chở che cho thành phố như hiện nay chúng ta thấy. Về sau, do bãi sông lở, đe doạ sự tồn tại của chùa nên chùa Khai Quốc được di dời vào dựng trên đảo Kim Ngưu, nằm ở phía Đông của Hồ Tây.

 

Kiến trúc tổng thể chùa Trấn Quốc rất độc đáo, cách bố trí các công trình khác xa nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. Phật tử đi lễ hay du khách thập phương đến vãn cảnh chùa đi từ đường Thanh Niên (đường Cổ Ngư cũ) vào, qua một đoạn đường nhỏ hai bên có trồng hai hàng cây đối xứng rất đẹp, qua cổng chùa rồi qua một đoạn sân nhỏ thì vào thăm Bái đường, tiếp đó mới đến nhà Tam Bảo (trong khi ở phần lớn các ngôi chùa Việt Nam lại xây dựng Tam Bảo - một công trình mang hai chức năng là nhà kiêm cổng với ba cửa - ở phía ngoài cùng, trước khi đến các công trình chính trong khu vực chùa). Sau khi qua Tam Bảo, du khách có thể qua lại 2 dãy hành lang ở phía sau, tiếp đó đi thăm thập điện và gác chuông. Trong chùa Trấn Quốc hiện có nhiều pho tượng đẹp, có nhiều tấm bia cổ quý hiếm và mới đây, qua đợt tôn tạo đầu thế kỷ XXI, ngôi tháp chính trong chùa lại vươn lên thành điểm nhấn trong tổng thể kiến trúc hài hòa và đẹp đẽ.

 

Một góc chùa Trấn Quốc.

 

Đến thăm chùa Trấn Quốc, ngoài việc biết thêm một danh thắng nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, du khách còn có dịp nghe và hiểu thêm câu chuyện  truyền kỳ về “Tây Hồ bát cảnh” (tám thắng cảnh, ngón nghề nghệ thuật và sản vật nổi tiếng ở Hồ Tây xưa kia). Đó là bến trúc Nghi Tàm đời chúa Trịnh Giang (1729-1740, nhuận triều với vua Lê Đế Duy Phường 1729-1732); là rừng bàng Yên Thái, một khu rừng hiếm có nhưng bị san phẳng dưới thời vua Lê Mẫn Đế (1787-1788) để trả thù các chúa Trịnh; là đàn thề Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông (1028-1054) cho lập trước đền Đồng Cổ thuộc làng Thuỵ Chương; là tượng Phật say làng Thuỵ, nổi tiếng thời Lê Trung Hưng (1583-1788); là đồng bông Nghi Tàm trước chùa Kim Liên, Nghi Tàm, nơi có những vườn hoa tươi đẹp để tiến vua, tiến chúa; là Chợ đêm Khán Xuân nổi tiếng vào thời kỳ nhuận triều Lê -Trịnh (từ 1545 đến 1788); là “tiếng đàn hành cung” cũng trong thời kỳ nhuận triều; là sâm cầm Hồ Tây mà vua quan nhà Nguyễn (1802-1945) thường bắt dân cống nộp làm thức ăn bổ dưỡng.

 

Trong lịch sử tồn tại 10 thế kỷ qua, chùa Trấn Quốc đã trải không ít thăng trầm. Sự kiện nổi bật nhất là vào thời Lê Mạt, thế kỷ XVIII, các chúa Trịnh đã biến chùa thành một hành cung và ở đó đã nổi danh một ngón nghề nghệ thuật truyền thống dân tộc được gọi là “Tiếng đàn hành cung”, một trong “Bát cảnh Tây Hồ”. Suốt một thời gian khá dài, chùa Trấn Quốc lần lượt bị các chúa Trịnh chiếm và đặt hành cung là: chúa Trịnh Giang (1729-1740), chúa Trịnh Sâm (767-1782). Trong số các cung nữ phục vụ ở hành cung này, có một mỹ nữ mang họ Hà rất giỏi tay đàn và được nhà chúa rất mực yêu chiều. Sự mê hoặc của nữ sắc đối với các chúa Trịnh cộng với sự điêu luyện của tay đàn mỹ nữ làm cho “Tiếng đàn hành cung” trở thành một sự định danh rất đặc biệt. Vì thế, tiếng đàn hành cung có thể được hiểu theo nhiều nghĩa: là thú chơi tao nhã, cao sang, hoặc cũng có thể chỉ là trò mua vui lạc điệu cho các vị chúa trong một thời loạn lạc, chúa lấn quyền vua, khiến cho một nhà nước phong kiến xảy ra tình trạng nhuận triều kéo dài đến 243 năm, từ 1545 đến 1788. Đó chính là thời kỳ mà chùa Trấn Quốc không giữ được sự thanh vắng của chùa chiền, của nơi cửa Phật.

 

“Tiếng đàn hành cung” nói riêng hay “Bát cảnh Tây Hồ” nói chung đã để lại sự bùi ngùi, tiếc nuối những gì đã cùng với thời gian một đi không trở lại. Chính điều đó càng thêm nhắc nhở chúng ta khi đến thăm chùa Trấn Quốc và các danh lam thắng cảnh rằng: hãy giữ gìn những di sản văn hóa quý báu của dân tộc cho hôm nay và cho mãi mãi về sau.