Bờ rào đá của đồng bào Tày Tây Bắc

08:27, 16/11/2014

Nhà thơ Y Phương trong bài thơ “Nói với con” đã từng viết: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/Còn quê hương thì làm phong tục”. Đó cũng là phong tục, là nét nghĩ, là quan niệm của đồng bào Tày trên dải đất Tây Bắc mà chúng tôi cảm nhận được khi được tận mắt chứng kiến phong tục làm bờ rào bằng đá của đồng bào Tày…

Khác với đồng bào Hà Nhì là đồng bào Mông ở nhiều vùng đất lấy đá bao quanh nhà nhằm tạo cho ngôi nhà của mình ở có một thế vuông vắn và vững chãi, đồng bào Tày ở Tây Bắc tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên… từ bao đời nay lại có phong tục làm bờ rào bằng đá, một công việc không phải dễ dàng và muốn là làm được.

 

Bờ rào đá bao bọc cả những thửa ruộng.

 

Theo lời kể của những người cao tuổi tại các bản Tày, xưa kia, người Tày định cư dọc theo triền núi thấp, chênh vênh bên ven những con suối. Khi ấy, cây rừng rậm rạp, nhiều thú dữ, khí hậu thì nắng lắm mưa nhiều nên trong suốt cuộc mưu sinh đối mặt và chinh phục thiên nhiên, đồng bào Tày Tây Bắc đã tự mình sáng tạo ra những công cụ và những cách làm để duy trì và phát triển cuộc sống. Bờ rào bằng đá là một sáng tạo từ xa xưa như thế của đồng bào Tày. Ban đầu, khi dựng nhà, việc làm đầu tiên của người Tày là xuống suối lượm nhặt những tảng đá vừa và nhỏ về ken vào thềm nhà sàn để làm cho bờ đất không bị xói mòn hay bị lở khi gặp nước, nhìn ngôi nhà sẽ vững chãi hơn. Khi làm nương hay làm vườn, đồng bào Tày thu lượm những tảng đá, viên đá các loại thành từng đống. Bởi những khu vực mà người Tày Tây Bắc định cư thường là ở bên ven suối, có nhiều đá mảnh, đá tảng. Đồng bào Tày đã nghĩ ra cách dùng chính những mảnh đá vừa và mỏng ấy làm thành những bờ rào kiên cố chạy dọc theo khu đất mà mình ở.

 

Những bờ đá tuy thô sơ nhưng khá vững chãi.

 

Việc làm bờ rào bằng đá theo đồng bào Tày ở Tây Bắc sẽ mang lại nhiều tác dụng nhất định đối với cuộc sống của họ. Thứ nhất, nếu có bờ rào đá bao quanh khu đất của mình thì địa thế ngôi nhà sẽ thêm vững chãi và kiên cố. Thứ hai, có bờ rào đá, khu vườn sẽ tránh được thú dữ và các loài động vật phá hoại cây cối, hoa màu trong vườn. Thứ ba, nếu bờ rào đá vững chắc, có mưa to lũ lụt, của cải và hoa màu sẽ không bị nước cuốn đi mà sẽ được giữ lại nhờ bờ đá kiên cố… Nhờ có nhiều tác dụng như thế, nên trong suốt chiều dài lịch sử lập nghiệp, đồng bào Tày đã duy trì việc làm bờ rào đá như một phong tục không thể thiếu trong mỗi gia đình, mỗi bản Tày.

 

Những bờ đá dài kiên cố bao bọc những căn nhà sàn.

 

Việc làm bờ rào đá của người Tày Tây Bắc khá công phu và tốn nhiều công lao động, nó không hề nhẹ nhàng và đơn giản như làm rào đan tre nứa hay đóng bằng cọc. Thông thường, người Tày thường lượm những viên đá nhỏ ngay tại ven suối rồi cũng từ mép đất của khu vườn chạm vào mép nước suối, người Tày lấy đó làm mốc để đặt rào. Rồi từ mốc đó, rào tiếp tục được kéo dài đến vòng quanh khu đất của gia đình. Bờ rào đá của người Tày Tây Bắc có chiều rộng từ 0,5 - 1 m tùy thuộc vào khối lượng đá thu lượm được. Đá để làm rào không quá to mà được đập thành những viên nhỏ, mỏng rồi được xếp chồng lên nhau sao cho các viên được khít với nhau tạo thành một bức thành chạy liên tiếp theo đường thẳng hoặc đường cong của khu vườn. Tùy thuộc vào số đá, thu lượm được đến đâu, người Tày sẽ tiếp tục phát triển bờ rào đến đó hoặc trong quá trình canh tác đất, mỗi khi cày lên những tảng đá hay viên đá nhỏ, họ lại xếp thành một đống, khi tích được nhiều sẽ làm bờ rào.

 

Những tảng đá to chồng xếp lên nhau tạo thành bức rào vững chãi.

 

Bờ rào đá kết hợp với việc đào thành những đường hào ngay dưới chân bờ rào là cách đồng bào Tày vùng Tây Bắc gìn giữ và bảo vệ cây trái trong khu vườn và nương rẫy. Với lợi thế cao và sâu, hào và bờ rào đá sẽ hạn chế được trâu bò, lợn vào phá và ăn cây cối, hoa màu.

 

Suối là nơi cung cấp đá làm bờ rào của đồng bào Tày.

 

Hiện nay, việc làm bờ rào bằng đá của đồng bào Tày ở Tây Bắc tuy ít hơn trước song vẫn được duy trì. Những bờ rào đá được làm cách đây vài chục năm trong những khu vườn của đồng bào Tày vẫn còn kiên cố, vững chắc. Đó là minh chứng cho quá trình lao động và sáng tạo của những con người mưu sinh trên mảnh đất đầy gian khó, là điển hình cho phong tục, tập quán được sinh thành từ trong lòng bản Tày.