Chiếc khố gắn với lịch sử, tập quán ăn mặc, trang phục của nhiều dân tộc. Tổ tiên người Việt cũng từng dùng khố, thể hiện qua tranh khắc chạm trên trống đồng Đông Sơn. Trên các phù điêu ở đình làng, các đô vật ở trần, đóng khố…
Đối với đàn ông các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, khố là loại trang phục truyền thống đặc trưng nhất của cả một khu vực. Nó được sử dụng trong các lễ hội, thậm chí trong sinh hoạt thường ngày ở các người già. Chiếc khố là hiện tượng văn hóa phổ biến, đồng nhất trong đời sống các dân tộc nơi đây.
Chiếc khố - Di sản mang dấu ấn cổ xưa
Trong các di chỉ đồng thau, các đồ họa khắc vạch trên trống đồng, thạp đồng và các đồ đồng Đông Sơn khác, cho thấy, chủ nhân của văn hóa Đông Sơn Việt cổ, con trai ở trần, mình xăm nhiều họa tiết, đóng khố thả đuôi lươn trước hoặc sau. Nhiều pho tượng đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn đều có trang phục đóng khố. Đó là bốn đôi tượng đang trong tư thế giao hợp trên thạp đồng Đào Thịnh đều đóng khố; tượng người đóng khố trên gáo đồng, các đoản kiếm, cán dao găm... phát hiện ở nhiều di chỉ khác nhau.
Lúc đầu, chiếc khố được làm bằng sợi vỏ cây, thô rám, không màu mè, cốt để che nửa phần dưới của cơ thể, sau này mới được chải chuốt, thêm thắt bởi sợi bông, chỉ màu để làm cho khố chắc hơn, đẹp hơn. Khố trắng có 2 loại: một loại được dệt bằng sợi vỏ cây và loại khác dệt bằng chỉ trắng. Chiếc khố này chỉ dài từ một đến hai vòng lưng, người nghèo thường mặc. Khố đen dệt bằng chỉ màu đen, có hoa văn ở hai đầu dải khố, đầu cùng khố se thành chùm sợi. Tấm khố này dài từ 3 đến 5 vòng lưng. Đây là loại khố phổ biến trong cộng đồng các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên.
Khố hoa của đàn ông M’nông
Khố hoa của đàn ông M’nông dệt bằng chỉ đen, hai đầu có dệt hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng, hay hạt cườm màu ngũ sắc, chiếc khố này gọi là troi nhong, dài từ 5 đến 7 vòng lưng. Người giàu sang mới quấn loại khố này. Ở các đuôi khố còn treo nhiều chiếc lục lạc nhỏ gọi là rlêm và vài chiếc lục lạc to gọi là ryu. Khi đi đường hai đuôi khố đưa qua đưa lại, những chiếc lục lạc to nhỏ chạm vào nhau hoà nhạc vang lên, chim chóc và thú rừng nghe tiếng nhạc lục lạc hoảng sợ bỏ chạy. Do đó, khi đi đường một mình mà quấn chiếc khố này không sợ cọp beo và thú dữ chặn đường.
Bên cạnh dệt hoa văn và trang trí sắc màu rực rỡ, người M’nông Gar còn gắn kết, khâu đáp những bông hoa bạc lên chiếc khố. Người ta làm khuôn bằng gỗ rồi nấu kim loại nóng chảy đổ vào khuôn tạo những bông hoa bạc nhỏ li ti. Những bông hoa bạc này được đính, khâu đáp vào đuôi khố tạo những hoa văn sáng lấp lánh. Quấn chiếc khố hoa khi đi dự lễ hội được mọi người kính trọng và mến phục, làm rạng rỡ, nở mặt nở mày cho vợ con. Người đàn ông nào mà quấn khố hoa, thiên hạ ai ai cũng khen vợ nhà biết dệt biết thêu, khéo tay kết những hạt cườm thành hoa. Bảo tàng Quai Brainly (Cộng hòa Pháp) còn lưu giữ, trưng bày nhiều bộ sưu tập hiện vật về trang phục, trang sức của dân tộc M’nông, trong đó có nhiều loại khố khác nhau, công cụ chế tác hoa văn bằng bạc để gắn kết trên đuôi khố do nhà dân tộc học G. Condominas sưu tầm và mang về Pháp từ cuối thập niên 50 của thế kỷ XX. Bảo tàng Đắk Lắk, Bảo tàng Đắk Nông, Bảo tàng Lâm Đồng cũng trưng bày những chiếc khố hoa độc đáo của người M’nông.
Khố hoa của đàn ông Ê Đê
Đàn ông Ê Đê có loại khố kteh k’nga là loại khố hoa. Loại khố này có tua ở hai đầu rủ dài quanh hông. Người sử dụng có thể quấn thêm những dải khăn, vải quý. Đặc biệt, chiếc khố kpin ktêh là kiểu trang phục đặc biệt của các tù trưởng ngày xưa. Người tù trưởng có thế lực thì khố của họ được dệt dài hơn các loại khố của người khác, có khi tới 6 - 7 mét. Ta có thể tìm được những lời tả về lối trang phục đóng khố trong sử thi Ê Đê: “Đam San tháo khố cũ, quấn khố mới, áo này chưa vừa lòng, chàng lấy áo khác”. Đó là loại khố có hoa văn và tua ở hai đầu, đủ dài để quấn nhiều vòng hông, một đầu thả xuống phía trước che gần hết chân, đầu còn lại gập thành múi giắt ở bên hông trái.
Khố đính hạt cườm của đàn ông Cơ Tu
Bộ nam phục truyền thống Cơ Tu gồm một chiếc khố cha loon cùng với tấm áo khoác hình chữ X. Đồng bào có hai loại khố: khố trơn và khố có hoa văn gọi là cha loon arắc được dệt bằng hạt cườm trắng. Đặc biệt, họ còn có loại khố kết hoa văn với những hạt cườm bằng chì, nặng đến hơn 1kg. Đó là loại khố sang trọng của những gia đình giàu có trong vùng.
Chiếc khố là bộ phận của văn hóa trang phục. Người quấn khố mang nét hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên, núi rừng. Chiếc khố - một di ảnh văn hóa vật chất thời sơ sử, mang đậm dấu ấn cội nguồn vẫn tồn tại cho đến ngày nay và là một hiện vật, di sản trang phục truyền thống độc đáo của cả khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên./.
(Theo LangVietOnline)