Người Mông chơi Tù lu

09:18, 14/12/2014

Theo tiếng Mông, đánh quay được gọi là Tầu tù lu. Đây là một môn chơi dân gian đặc sắc mang tính thượng võ của đồng bào dân tộc Mông.  

Cứ mỗi độ xuân về, hay mỗi mùa lễ hội, người Mông lại nô nức tổ chức các trò chơi như: Ném pao, đẩy gậy, bắn nỏ, múa khèn, leo cây... Nội dung chơi đánh Tù lu không thể thiếu được trong hội vui này. Nhiều chàng trai cô gái Mông nhờ xem chơi Tù lu mà đã nên duyên chồng vợ và sống hạnh phúc bên nhau.

 

Người đấu cù phải lấy sức và ném con quay (cù) chính xác sao cho trúng cù đối phương đang quay mà quả cù mình vẫn quay.

 

Tù lu (con quay) được làm từ những những loại gỗ cứng như: lim, nghiến, dẻ, sồi... có đường kính từ 7 - 10 cm, nặng khoảng nửa cân trở lên. Để làm được một con quay đạt yêu cầu phải mất từ 40 - 60 phút. Con quay có hai đầu, đầu nhọn đóng một chiếc đinh cứng và đầu kia gọt bằng, khi chơi là điểm đánh của những người chơi khác. Dây quay còn gọi là "cua" được se bằng sợi lanh, dài khoảng hơn mét nối với một đoạn pảng (gậy) làm bằng cành trúc nhỏ cỡ ngón tay cái, dài khoảng 40 cm. Sân chơi thường được chọn một bãi đất rộng, thửa ruộng bậc thang, phía đối diện thường có ta luy cao để khi chơi Tù lu không bị rơi xuống khe núi, đảm bảo an toàn cho người chơi và những người đến xem...

 

Trong các ngày hội, lễ Tết, trò chơi dân gian ném Tù lu cũng được BTC đưa vào nội dung thi đấu.

 

Khi chơi, người chơi thường quấn quay theo chiều tay thuận của mình. Chơi tập thể, khi có tiếng hô “tầu lâu” (đánh đi) thì lần lượt từng người chơi xuống quay để so tài, ai có quay sống lâu hơn thì được quyền chơi tiếp. Chơi hai người thì người kia xuống quay, người còn lại dùng quay đánh vào con quay của bạn.

 

Không riêng dân tộc Mông, mà dân tộc Hà Nhì, La Hủ cũng rất thích chơi Tù lu vào những dịp Tết dân tộc mình.

 

Thú chơi quay giúp người Mông rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh và phán đoán tốt. Chơi Tù lu nói riêng và các trò chơi dân gian nói chung là bản sắc văn hóa, vừa thể hiện tình đoàn kết, thương yêu nhau giữa các thành viên trong cộng đồng thôn bản, đó là sự cố kết bền chặt cần phát huy trong mọi thời đại nhằm phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân và tập thể trong việc xây dựng, phát triển bản làng, quê hương, đất nước giàu đẹp.