Ăn để nhớ

15:00, 08/04/2015

Có ai đó nói rằng: Chỉ là bình thường thôi nếu bạn sống với kỷ niệm, sẽ là tuyệt vời nếu bạn tạo ra kỷ niệm. Đối với tôi, kỷ niệm đôi khi được sinh ra từ một món ăn hết sức bình thường.

Bánh Bèo Quảng Trị

 

Chúng tôi tạm biệt Thái Nguyên trong tiết mưa phùn lất phất. Áo khoác, áo len kín mít mà cái lạnh vẫn len lỏi châm chích da thịt. Ấy vậy mà chỉ qua đèo Ngang (ranh giới giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh), khí hậu thay đổi hẳn. Nắng rực lên chói mắt, trời xanh như ngọc bích và từng đợt gió khô khốc xém da mặt.

 

Đột ngột chuyển vùng khí hậu nên chúng tôi thèm một bữa ăn nhiều nước sụp soạt cho nhẹ bụng.  Buổi sáng hôm sau, rời Quảng Trị tiếp tục hành trình, chúng tôi ngó nghiêng hai bên đường tìm chỗ ăn sáng. Cả xe reo lên khi nhìn thấy bên đường một cái quán xúm xít người ăn, đề biển “bánh Bèo”.

 

Kinh nghiệm của những người đi đường xa, chưa quen thông thổ là quán ăn nào đông người thì nên vào. Có hai lý do: Thực phẩm ở đấy chắc tươi vì luân chuyển nhanh, thứ hai là phải ngon thì mới lắm người ăn.

 

Tôi đã quen với món “bánh Bèo” trong sách. Từ thuở vỡ lòng, bài đồng dao: Bà Ba béo, bán bánh Bèo, bên bờ biển…tôi đã thuộc làu làu. Câu thơ: Tôm chấy hồng thắm cánh bèo/ dẻo thơm bột gạo quê nghèo lên hương đọc đâu đó khiến tôi thấy món này khá hấp dẫn. Tôi mường tượng nó nho nhỏ, mỏng, bồng bềnh trong nước như một cái lá … bèo. Có thể nó từa tựa bánh chay ngoài Bắc, nghĩa là lập lờ bát nước đường thanh mát và có chút nhân đỗ ngòn ngọt.

 

Một ông già tầm 70 tuổi lúi húi quấy cái nồi to đùng trên bếp than. Ông hỏi chúng tôi mỗi người ăn mấy bát? Tôi bảo “một bát”. Ông tủm tỉm cười chỉ chúng tôi ra bàn ngồi. Tôi suýt kêu lên ngạc nhiên khi ông bày ra trước mặt mỗi người một cái bát gốm cũ kỹ nặng chịch, bé tẹo cầm lọt thỏm bàn tay. Trong đó, chút bột sền sệt vàng lốm đốm, trên rắc xíu bột tôm, dăm lát cọng hành xanh xanh. Thấy chúng tôi lóng ngóng, ông bày: Lấy thìa xắn bánh làm 4 miếng, ăn kèm với chút nước chấm này. Ấy là ăn kiểu thanh cảnh, chứ bát bánh ấy tôi ăn một miếng to là hết. Vị đậm pha ngòn ngọt, mùi thơm của lạc, bột gạo, tôm phảng phất. Nhìn ra xung quanh tôi thấy người nào cũng ăn bốn, năm bát, có cậu bé ngồi bàn kế bên tôi đã ăn đến bát thứ 7. Giờ tôi mới hiểu cái cười tủm của ông chủ quán khi tôi dõng dạc gọi “một bát bánh bèo”.

 

Ngó vào cái nồi sôi sình sịch trên bếp, tôi lân la hỏi ông cách làm bánh. Ông bảo: Có gì đâu, bột gạo là chính, thêm gia giảm, quấy lên. Khách gọi thì múc ra chén (bát) rắc bột tôm. Hỏi thêm, tôi biết ông bán hàng này đã hơn 20 năm, nuôi gia đình bằng nồi bột này. Lúc thanh toán tiền, tôi ngạc nhiên hơn khi ông bảo bát bánh có giá…1 nghìn đồng. Với giá này, bữa sáng chỉ hết trung bình…5 nghìn đồng, phù hợp với túi tiền của người lao động lại vẫn đủ chất cho họ bắt đầu một ngày làm việc.

 

Tôi bỗng hiểu ra nghĩa của tên bánh. Có lẽ vì nó rẻ như…bèo.

 

Bánh Khọt Vũng Tàu

 

Trong bữa ăn tối với các đồng nghiệp ở Báo Vũng Tàu, thấy chúng tôi quan tâm hỏi về các món ăn địa phương, anh Hiền - Tổng Biên tập bảo: Mai mọi người đưa các anh chị Báo Thái Nguyên đi ăn bánh Khọt quán Gốc Vú Sữa nhé.

 

Đúng 7 giờ, chúng tôi lên đường đi ăn bánh Khọt. Trên đường đi, tôi nhìn thấy hai bên đường vô số quán bánh Khọt, người ăn thưa thớt. Loanh quanh đến vài cây số, chúng tôi đến hẻm 14, đường Nguyễn Trường Tộ. Dấu hiệu đặc biệt từ xa là ô tô, xe máy xếp hàng dài mấy con phố. Tiếp cận quán, một cảnh tượng lâu nay tôi ít thấy là cảnh…xếp hàng.

 

Hóa ra, để đãi chúng tôi món bánh Khọt Gốc Vú Sữa này, các đồng nghiệp của tôi phải đến đây từ 6 giờ sáng để xếp hàng lấy tích - kê. Vậy mà chúng tôi vẫn phải chờ thêm 30 phút nữa mới được vào bàn ngồi chờ. Khác với quán ăn miền Bắc, phần làm hàng thường ở bên trong hoặc sau quán, ở đây toàn bộ khâu sản xuất bánh đều ở phía trước quán.

 

Tôi đếm được 10 chị quần dài, áo dày, gang tay, khăn che mặt kín mít ngồi quanh 2 cái chảo khổng lồ đặt trên bếp củi cháy rừng rực. Trên mặt chảo có khoảng 100 ô nhỏ trũng xuống. Tíu tít nhưng cũng rất chuyên môn hóa từng công đoạn, người múc bột đổ vào ô trũng, người gắp con tôm đặt lên bột, người đậy nắp, người giở bánh, người gắp bánh ra đĩa, rắc bột tôm. Khói củi, khói mỡ, mùi bánh chín bốc lên ngào ngạt. Lực lượng phụ trợ quanh cái bánh gồm: Chuẩn bị rau cuốn bánh, múc nước chấm pha sẵn, thái hành lá đảo qua mỡ, bưng bê cho khách. Tất cả đều mặc đồng phục màu vàng.

 

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến lượt được phục vụ. Trước hết là những đĩa rau sống ngồn ngộn bưng ra: đu đủ nạo sợi nhúng qua nước dấm muối, rau húng, kinh giới, xà lách, dấp cá… để nguyên cây dài thuề luề (tất nhiên là bỏ rễ) và không thể thiếu là rau cải, loại nguyên liệu để cuốn bánh. Tôi cũng bắt chước mọi người thao tác: Lấy cái lá cải, đặt một cái bánh vào, dắt thêm các loại lá rau thơm, gói lại, chấm với nước mắm ớt.

 

- Ăn bánh này phải phồng mồm mới ngon - người ngồi cạnh tôi cắn một miếng to làm mẫu.

 

Bánh ròn quyện thịt tôm chắc ngọt cùng vị thơm của rau, vị cay của ớt… khiến ăn hết một cái lại muốn ăn ngay cái thứ hai. 45 nghìn đồng/đĩa 10 cái bánh hai người ăn hơi… thòm thèm.

 

Tạm thỏa mãn dạ dày, tôi quay sang ngắm quán và những thực khách đã may mắn được xếp bàn và hàng chục người khác đang xếp hàng đăng ký được ăn. Quán không màu mè quảng cáo, chỗ ngồi lụp xụp, bàn ghế bình dân, khách đa số là người địa phương chứ không phải khách du lịch đến đây vì tò mò.

 

-  Bí quyết của họ là cách pha bột và pha nước chấm - một đồng nghiệp của tôi đúc kết.

 

Có điều tôi thắc mắc là tại sao bánh có tên là Khọt thì không ai giải đáp được. Anh bạn tôi ở Báo Vũng Tàu bảo: Từ khọt là từ cổ của địa phương, có nghĩa là “dừng lại”. Còn vì sao lại trở thành tên bánh thì anh cũng…chịu.

 

Tôi thì nghĩ nôm na rằng: Ai đến Vũng Tàu cũng nên “dừng lại” để ăn bánh Khọt.

 

Đi dọc dài đất nước, có bao điều lạ nay mắt tôi mới được ngó, bao nhiêu món ăn đậm chất địa phương nay tôi mới được thưởng thức: mì Quảng, bánh ít, bánh mướt, bánh tráng cốt dừa, rau má nộm, cháo lươn, cơm gà kiến… Nếu được thêm chút thời gian nữa để tìm hiểu và cảm nhận, chắc tôi sẽ còn nhiều kỷ niệm hơn với những món ăn ở vùng đất mình đã đi qua.